Bà Nguyễn Thị Như Loan - tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - Ảnh: BÔNG MAI
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra vào chiều nay 31-12, các cổ đông của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) thông qua kế hoạch phát hành gần 61,9 triệu cổ phiếu, với giá 11.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến trong năm 2022.
Như vậy, nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của Quốc Cường Gia Lai tăng lên 3.370 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng cho biết toàn bộ số vốn gần 681 tỉ đồng huy động được sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm nợ.
Tại thời điểm cuối quý 3-2021, tổng khoản nợ phải trả của doanh nghiệp nằm mức 5.620 tỉ đồng, giảm 8% so với đầu năm, tương đương 57% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác gần 4.339 tỉ đồng, riêng khoản tiền nhận từ Công ty Sunny Island cho dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) là 2.882 tỉ đồng.
Trước đó, Quốc Cường Gia Lai đã kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp tại dự án Phước Kiển rộng hơn 96 ha và đã được VIAC thụ lý.
Phía Quốc Cường Gia Lai cho rằng đối tác đã vi phạm hợp đồng liên quan đến điều khoản thanh toán, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý, khiến phí giải phóng mặt bằng tăng, hồ sơ pháp lý hết hạn hiệu lực...
Về vụ kiện trên, tại đại hội cổ đông, bà Nguyễn Thị Như Loan - tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cho biết nhắm khả năng thắng cao mới kiện, nhưng đến nay vẫn đang chờ kết quả từ VIAC.
Đồng thời bà Loan cũng cho biết: "Nếu bây giờ đi bán lúa non dự án Phước Kiển thì nhiều người mua, nhưng không làm được. Vì mình đã khổ mười mấy năm rồi, giờ bán rất uổng".
Về hoạt động kinh doanh, tính đến cuối quý ba năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 774 tỉ đồng, lãi trước thuế 53 tỉ đồng, lần lượt giảm hơn 50% và 28% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện 77% kế hoạch doanh thu và 53% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Dù kết quả sa sút, nhưng theo quan sát tại đại hội, nhiều cổ đông vẫn bày tỏ lạc quan vì năm qua thị trường bất động sản gặp không ít khó khăn do đại dịch. Năm 2022, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu doanh thu 1.200 tỉ đồng, lãi trước thuế 100 tỉ đồng.
Về thị trường, bà Như Loan cũng cho biết ngoài diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, doanh nghiệp còn gặp thách thức khi quy hoạch quản lý đô thị đang trong thời kỳ chuyển hóa, kết cấu hạ tầng phát triển chậm chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống pháp lý về bất động sản còn nhiều bất cập...
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, kiểm soát cho vay tiêu dùng bất động sản, kiểm soát room tín dụng... sẽ tiếp tục làm cho việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn và Ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ sở để dồn ép các doanh nghiệp bất động sản cả về điều kiện và lãi suất.
Dù vậy, vì nhu cầu nhà ở rất cao, bất động sản ở các quận huyện thuộc TP.HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức...đang trở thành xu hướng, công ty lại có quỹ đất, nên định hướng phát triển đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Bên cạnh mảng bất động sản, bà Như Loan cũng tiết lộ mảng thủy điện đóng góp 10% lợi nhuận/năm cho công ty. Riêng đầu tư cho cây cao su những năm trước thua lỗ từ 5-10 tỉ/năm, thì sang năm 2021 đã bắt đầu có lời, 2022 "hy vọng có lời". Trường hợp cây cao su không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ bán lấy gỗ và xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại đại hội, một cổ đông cũng trình bày: "Mấy năm vừa rồi không chia cổ tức cũng buồn quá, cũng có bán bớt cổ phiếu". Trước các cổ đông, bà Như Loan hứa năm 2022 sẽ chia cổ tức.
TTO - Nội dung được nêu trong kết luận điều tra bổ sung vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí' tại Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận của Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM ngày 3-12.
Xem thêm: mth.21803734113211202-on-maig-hnaod-hnik-nov-gnod-yuh-ed-ueihp-oc-nab-ial-aig-gnouc-couq/nv.ertiout