TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, ngày mai 20/12/2019, cơ quan này sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thành Nam (bị đơn) và Công ty TNHH Posco VST (nguyên đơn).
Vụ kiện đình đám này kéo dài suốt từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thể có hồi kết khi CTCP Tập đoàn Thành Nam (Công ty Thành Nam) có đơn đề nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội tuyên ngày 10/10/2018.
Công ty Thành Nam là nhà cung cấp thép, hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE với mã chứng khoán TNI. Từ năm 2010 đến năm 2013, Công ty Thành Nam và Công ty TNHH Posco VST (Công ty Posco VST, một công ty có vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán mặt hàng thép không gỉ.
Đến cuối năm 2013, hai bên có vướng mắc về việc xác nhận nợ dẫn đến Posco VST khởi kiện đòi Thành Nam hơn 58 tỷ đồng.
Theo nguyên đơn Posco VST, quá trình mua bán, các bên thực hiện thanh toán theo phương thức cộng dồn và xác định số tiền Công ty Thành Nam còn phải trả cho Posco VST là 58 tỷ đồng.
Posco VST đã xuất trình hai chứng cứ, gồm 5 bộ mẫu và 5 bộ chứng từ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, trong đó có 56 chứng từ, biên nhận đại diện Công ty Thành Nam đã nhận hàng của Posco VST.
Tuy nhiên, phía Công ty Thành Nam cho rằng, theo quy trình mua bán hàng hóa giữa các bên thì Posco VST sẽ xuất hóa đơn trước rồi mới giao hàng sau. Vì thế, số tiền 58 tỷ đồng được ghi nhận trên các hóa đơn mà phía Posco VST đã xuất không dựa trên số lượng hàng hóa giao nhận thực tế.
Phía bị đơn đặt câu hỏi "liệu có hay không việc Posco VST đã bị mất một lượng hàng hóa lớn bởi chính các nhân sự của Posco VST, do đó Posco đã tìm cách “dàn dựng” số liệu, công nợ với Thành Nam nhằm hợp thức hóa giá trị hàng mất kể trên?".
Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của Posco VST, buộc Thành Nam phải trả cho Posco VST số tiền gốc 58 tỷ đồng và số tiền lãi 42 tỷ đồng.
Trong đơn kháng nghị của mình, phía Công ty Thành Nam không chấp nhận việc phải trả 58 tỷ đồng cho đối tác bởi: Theo quy định của pháp luật và tập quán thương mại, một giao dịch phải thể hiện đầy đủ các tài liệu gồm: Hợp đồng mua bán, Hóa đơn VAT của người bán hàng, Giấy giới thiệu của người mua hàng, Phiếu xuất kho của người bán hàng, Biên bản giao nhận hàng hóa giữa hai bên.
Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ, tài liệu mà Posco VST giao nộp cho Tòa án chỉ có 02 trường hợp xác định công nợ mua bán hàng hóa tạm đầy đủ với tổng giá trị là 1,482 tỷ đồng.
Phía Công ty Thành Nam cho rằng Posco VST đã “cố tình tạo lập” một số tài liệu, bảng kê mà không hề có bút tích giao dịch xác nhận nào của Công ty Thành Nam. Đồng thời đặt ra câu hỏi "nếu quả thực có khoản nợ 58 tỷ đồng và Thành Nam mất khả năng thanh toán, vậy tại sao Posco VST không làm một việc dễ dàng hơn nhiều lần, đó là mang bộ hồ sơ công nợ đó tới ngân hàng để nhận toàn bộ số tiền đã được bảo lãnh như cam kết của các bên?".
Được biết, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, luật sư Đào Ngọc Lý (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn) đã có đơn đề nghị xem xét, xác minh những vấn đề bất hợp lý của vụ án và cung cấp một hồ sơ vụ án tương tự khác – có thể trở thành nguồn án lệ cho việc xét xử được cấp trên xem xét.
Xem thêm: ofni.299523tsop-cuht-tek-eht-auhc-ocsop-man-hnaht-na-yk/nv.tenofni