Ông Giang Trạch Dân (trái) đón tiếp Tổng bí thư Đỗ Mười trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7-1997 - Ảnh: AP
Kế nhiệm nhà lãnh đạo Triệu Tử Dương giữ chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1989, ông Giang Trạch Dân đã nhanh chóng đưa Trung Quốc hội nhập quốc tế trở lại khi Bắc Kinh giành quyền đăng cai thành công Thế vận hội 2008 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2001.
Đưa Trung Quốc vào kỷ nguyên mới
Dưới sự lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, nền kinh tế Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của Trung Quốc đạt 9,8% - gần hai chữ số - trong một thập niên (1993 - 2002). Nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn này duy trì tốc độ phát triển cao với lạm phát tương đối ổn định và bắt đầu chuyển đổi sang các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn hơn.
Ngoài ra, một dấu ấn lớn cho Trung Quốc mà ông Giang Trạch Dân để lại chính là các mối quan hệ kinh tế quốc tế được mở rộng và phát triển nhanh chóng. Vào cuối những năm 1990 và 2000, thương mại và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng vọt, giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, và có tác động mang tính lan tỏa tới các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có nhiều chuyển biến mang tính cởi mở dưới sự lãnh đạo của ông trong 13 năm (1989 - 2002) với thuyết "Ba đại diện". Đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc, do đó đảng chào đón các nhà kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân gia nhập. Năm 2002, thuyết "Ba đại diện" của ông Giang được đưa vào Điều lệ đảng.
Là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc chứng kiến sự sụp đổ của Chiến tranh lạnh, ông Giang Trạch Dân tập trung cải thiện và thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong đó có Việt Nam. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân là người đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vào năm 1991 và đưa quan hệ hai nước lên tầm mức mới vào đầu thế kỷ 21.
Thúc đẩy nền tảng hữu nghị
Chỉ ba năm sau khi bình thường hóa quan hệ, ông Giang là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tiên thăm Việt Nam vào tháng 11-1994, đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười tới Trung Quốc vào tháng 7-1997, Tổng bí thư Giang Trạch Dân và nhà lãnh đạo Việt Nam Đỗ Mười đã đồng ý "cố gắng ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ trước cuối năm 2000".
Với quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, ngày 30-12-1999 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Sau đó gần một năm, ngày 25-12-2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá. Đây là những bước tiến quan trọng chỉ trong vòng 10 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, giúp giải quyết những tồn tại căn bản giữa hai nước đã có từ lâu.
Mối quan hệ song phương Việt - Trung cũng từng bước được thể chế hóa trong giai đoạn này. Chỉ trong vòng 10 năm sau khi bình thường hóa, Trung Quốc và Việt Nam lần lượt ra sáu tuyên bố chung vào các năm 1991, 1992, 1994, 1995, 1999 và 2000.
Trong đó, hai tuyên bố chung vào các năm 1999 và 2000 xác định phương châm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ 21, với tuyên bố năm 1999 là phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Năm 2000, hai bên ký tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, đưa hai nước trở thành "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Đây là giai đoạn được coi là mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản hai nước có nhiều bước tiến tốt đẹp, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa hai nước.
Vào tháng 2-2002, ông Giang Trạch Dân thăm Việt Nam lần thứ hai, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ 21. Đây cũng là chuyến thăm cuối cùng của ông tới Việt Nam với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Di sản về tình hữu nghị
Nhìn lại những gì đã qua, ông Giang Trạch Dân đã góp công rất lớn trong việc thiết lập, nuôi dưỡng và nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, giúp hai bên vượt qua một số căng thẳng ở Biển Đông để cùng nhìn vào lợi ích lớn hơn vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Ông Giang đã để lại di sản to lớn trong việc xây dựng một mối quan hệ bền vững giữa Trung Quốc và Việt Nam.
TTO - Theo Hãng tin Tân Hoa xã, ông Giang Trạch Dân qua đời lúc 12h13 (11h13 trưa nay, giờ Hà Nội) ngày 30-11 tại thành phố Thượng Hải. Ông bị bệnh bạch cầu và suy đa tạng, dù được cứu chữa nhưng không qua khỏi. Ông thọ 96 tuổi.
Xem thêm: mth.78501742203112202-gnurt-teiv-eh-nauq-pad-nuv-iougn-nad-hcart-gnaig-gno-teib-hniv/nv.ertiout