ThS Bốc Minh Trí trong một tiết dạy tại Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tôi cho rằng mình phải thật rành nghề mới có thể đi dạy các em, chứ lên lớp nếu chỉ nói lý thuyết rất chán. Tôi luôn muốn tự mình tìm hiểu về những vấn đề cụ thể nào đó rồi mới truyền đạt lại những điều tâm đắc mình đã khám phá được cho học sinh, sinh viên.
Thầy Bốc Minh Trí
Tại Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM, thầy Trí được xem là một nhà sáng chế tài năng.
Từ nhà xưởng đến lớp học
Cuối tháng 11-2022, ThS Bốc Minh Trí (40 tuổi) - trưởng khoa tự động hóa, Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - cùng các đồng nghiệp tổ chức một hội thảo về giải pháp áp dụng công nghệ giám sát và điều khiển thiết bị qua Internet. Tại đây, lãnh đạo nhiều công ty đã đến tham gia, tìm kiếm cơ hội kết nối và chuyển giao công nghệ. Việc nhiều doanh nghiệp chủ động đến một trường trung cấp với tâm thế có thể hợp tác về công nghệ khiến không ít người ngạc nhiên.
Một trong những thầy giáo được quan tâm nhiều nhất trong buổi hội thảo ấy là ThS Bốc Minh Trí - người có nhiều kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ. Giảng dạy ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thầy Trí quan niệm không chỉ đứng lớp là "xong nhiệm vụ" mà thường xuyên bắt tay vào sáng tạo các dự án ứng dụng điện tử - viễn thông. Gần đây nhất, thầy cùng với các chuyên gia một công ty chuyên về AiOT nâng cấp hệ thống nhà thông minh (smarthome), đưa vào thêm các thiết bị như tivi, máy lạnh... chức năng ghi nhớ thói quen người dùng để gợi ý cho chủ nhà những tính năng phù hợp.
Hơn bốn năm tại Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM, thầy Trí bỏ nhiều thời gian thiết kế bo mạch, trong đó không ít loại đã được dùng cho điều khiển tự động trên thị trường. Thầy còn tham gia xây dựng nhiều dây chuyền tự động hóa trong sản xuất, như một số dây chuyền phân loại nông sản, vật liệu... Hiện thầy đang nghiên cứu hệ thống về nhà xưởng thông minh (Smart Factory), ứng dụng phần mềm nhận biết các công cụ trong xưởng cần bảo trì, thay mới. Hệ thống cũng giúp hạn chế tình trạng nhiễu công nghiệp, tăng năng suất cho nhà máy.
Thầy Trí cho rằng các sản phẩm công nghệ liên tục thay đổi, vì vậy nếu trường không có những mô hình mới, rất khó cho sinh viên tiếp cận. Tuy nhiên, kinh phí trường nghề có hạn, khó lòng "chạy đua" thiết bị mới. Vậy là thầy Trí thường dùng các dụng cụ, thiết bị dễ kiếm tạo ra những mô phỏng chính xác các công cụ hay dây chuyền công nghiệp hiện đại. Vừa qua, nhóm của thầy Trí đã tạo được mô hình phân loại sản phẩm được giám sát và điều khiển qua Internet, hệt như trong một nhà máy thật, giúp sinh viên có thể thao tác ngay tại lớp. Công trình này đã giành giải nhất cấp thành phố và giải ba cấp quốc gia về những sản phẩm sáng tạo trong dạy học ở trường nghề.
NGƯT Phan Hoàng Dũng - hiệu trưởng Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - cho biết thầy Trí được nhà trường đánh giá rất cao về khả năng sáng tạo. "Tôi thường nói với các thầy cô rằng bản thân các thầy cô cần va chạm vào thực tế, cần làm nhiều hơn mới giỏi nghề và có thêm kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Thầy Trí là một trong những người tiên phong trong xu hướng "giảng viên chịu làm" này" - ông Dũng nói.
Bỏ phố về quê
Năm 2006, Bộc Minh Trí lấy bằng cử nhân Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên ngành vô cùng "hot" là kỹ thuật điện tử - viễn thông. Lúc bấy giờ, làn sóng Internet bắt đầu lan rộng khắp các thành phố lớn tại Việt Nam, mở ra cơ hội vô cùng lớn cho những bạn trẻ có nghề liên quan tới mạng hay điện tử.
Dẫu vậy, chàng thanh niên Minh Trí - 22 tuổi khi đó - quyết định dấn thân vào nghiệp giảng dạy tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM bởi đã ấp ủ đam mê trở thành thầy giáo từ nhỏ, chưa kể gia đình có truyền thống ba đời làm giáo viên. Đến năm 2018, thầy Trí tự nguyện chuyển về công tác tại Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - ngôi trường trực thuộc quản lý của Sở GD-ĐT TP.HCM. Quyết định khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp thắc mắc bởi thầy Trí không chỉ "bỏ phố về quê", chọn dạy tại trường xa xôi tuốt ở Hóc Môn, lại "hạ bậc" từ cao đẳng xuống trung cấp.
"Tôi nghĩ khác. Khi đó, Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM chỉ mới thành lập không lâu, đang cần nhân lực để phát triển. Tôi thấy mình có chuyên môn và tâm huyết, có thể góp một phần công sức cho trường. Thử thách ở một ngôi trường mới mẻ hấp dẫn hơn so với làm việc trong một môi trường đã ổn định. Hơn nữa, tôi ở Hóc Môn, muốn giúp ích ít nhiều cho giáo dục quê nhà" - thầy Trí nói.
Sau bốn năm ở trường, thầy Trí tâm sự thành công lớn nhất của mình là sinh viên ra trường có nghề ổn định. Nhiều người thường nói học sinh trung cấp "học dở", "khó dạy" hơn các bạn đại học, cao đẳng. Thầy Trí cho rằng dù kiến thức văn hóa ở học sinh của mình có thể không bằng, nhưng về tay nghề thường rất chắc chắn nếu được chú tâm rèn luyện và được hướng dẫn kỹ lưỡng.
Tôn vinh 12 thầy cô
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tôn vinh đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhà khoa học đóng góp tích cực cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của TP.HCM. Năm 2022, trong lần đầu tiên tổ chức, giải thưởng sẽ vinh danh 12 thầy cô giỏi, tâm huyết, hiện đang công tác tại các trường nghề khắp TP.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thông qua giải thưởng, TP mong muốn phần nào tạo động lực, lan tỏa tình yêu nghề, sự đam mê, tận tụy cống hiến cho lĩnh vực GDNN đến toàn xã hội.
Hiện nay, tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN tại TP.HCM có tổng cộng 14.157 người. Trong đó 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần quyết định chất lượng GDNN tại TP.
Lễ trao giải diễn ra vào ngày 2-12 tới đây với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM.
TTO - Trong hơn 320.000 thí sinh không xét tuyển đại học năm nay, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp) thay vì xem đại học là "con đường duy nhất".
Xem thêm: mth.5283952203112202-ehgn-gnourt-gnort-ehc-gnas-ahn/nv.ertiout