Lãi suất tăng khiến không chỉ người vay mà người gửi tiền cũng chóng mặt. Chị Hà Vân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tháng này, chị được nhân viên của ba ngân hàng gửi thông báo tăng lãi suất huy động. "Tôi phân vân không biết chọn gửi ngân hàng nào vì chỉ trong một tháng mà có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến hai lần. Đếm sơ sơ đã có hơn năm ngân hàng áp dụng lãi suất trên 10%/năm".
Áp lực lên lãi suất vẫn ở mức cao
Mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tuần qua. Trong bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu mới công bố, các chuyên gia phân tích của SSI Research cho biết, tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đã được đẩy lên vùng 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350 - 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid.
Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến cuối tháng 10 cho thấy, vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động - tín dụng của nền kinh tế.
Theo khảo sát VnBusiness, ngày 28/11, hàng loạt ngân hàng đã tăng thêm lãi suất huy động, đẩy lãi suất cao nhất lên đến 10,5%/năm. Điển hình, lãi suất huy động tiền gửi được niêm yết trên website của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã lên đến 10,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Với kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng, lãi suất huy động cũng lên mức 10%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động tiền gửi online cũng đã đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng kể từ ngày 28/11. Còn nếu gửi từ 6 tháng, lãi suất đã lên mức 9,9%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đưa lãi suất huy động online cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại MSB lên mức 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất là 9,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao nhất là 9,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa tăng lãi suất huy động vào hôm nay, đưa lãi suất huy động cao nhất lên 9,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng, với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên. Với các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, lãi suất huy động cũng đồng loạt lên mức 9%/năm. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lãi suất huy động đã lên mức 9,4%/năm.
Những khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận vốn
Trái ngược lại, tốc độ của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, tuy nhiên trong bối cảnh “sức khoẻ” doanh nghiệp đang cạn kiệt mức lãi suất lên tới 14 - 15% là “gánh nặng” cho các doanh nghiệp, chưa kể nhiều doanh nghiệp phản ánh muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp thành phố và hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP.HCM phản ánh, hiện nay, doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này làm tăng thêm chi phí và gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khi chi phí đầu vào cũng đang chịu áp lực tăng.
Giám đốc một công ty TNHH thực phẩm tại Hà Nội chia sẻ: "Thực ra, danh chính ngôn thuận thì ngân hàng không không ép khách hàng mua bảo hiểm. Như trường hợp của doanh nghiệp vay 1 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng trong mùa cao điểm cuối năm, nhân viên ngân hàng chỉ bảo: “Nếu anh mua bảo hiểm thì hồ sơ sẽ được duyệt dễ hơn”. Nói vậy là đủ hiểu muốn được việc thì phải chấp nhận chi tiền cho họ. Giấy tờ của bạn có chuẩn chỉ mức nào, thì ngân hàng cũng có quyền từ chối cho bạn vay, mà không cần giải thích lý do. Thế nên, nói ngân hàng không ép nhưng khách hàng không mua không được", vị giám đốc này cho hay.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố yêu cầu các tổ chức tín dụng phải rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp "ép" khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thật sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Theo TS. Đặng Thái Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, càng gần cuối năm, doanh nghiệp càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng, do đó, họ rất cần dòng tiền để quay vòng. Tuy nhiên, việc tiếp cận được vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp luôn là thách thức không nhỏ./.
Xem thêm: lmth.74261000042210202-nov-nac-peit-ohk-gnac-peihgn-hnaod-oac-taus-ial-cul-pa/nv.semitaer