Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, Bộ Tài chính, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC); đại diện WB, SECO, Tổng Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO), các NHTM và các công ty quản lý nợ của các ngân hàng, các trường đại học; các chuyên gia trong và ngoài nước…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, quy mô của thị trường mua bán nợ Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… vẫn còn khiêm tốn, quá trình hoạt động đã bộc lộ không ít tồn tại, thách thức về khuôn khổ pháp lý cũng như công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường mua bán nợ; các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ còn ít; hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý.
Ông Đông cho biết, với mục tiêu phát triển thị trường mua bán nợ để hỗ trợ cho hoạt động xử lý nợ xấu, đồng thời huy động rộng rãi các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường mua bán nợ xấu, thảo luận các báo cáo về khuôn khổ pháp lý, báo cáo về thành lập và vận hành sàn giao dịch nợ, thực tế triển khai xử lý nợ xấu tại các quốc gia có thị trường mua bán nợ phát triển cũng như đề xuất định hướng giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thị trường mua bán nợ nói chung, thị trường mua bán nợ xấu nói riêng được định nghĩa là nơi diễn ra những hoạt động trao đổi, mua bán các khoản nợ hay “quyền thu hồi nợ” trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung, và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Một trong những cột mốc quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng đó là sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC vào ngày 15/10/2021. Nhờ đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Phó Thống đốc nhận định, trên thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là: Khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu; Thị trường chưa thu hút được đa dạng chủ thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít; Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng; Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực; Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường; Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường…
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 18/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu đưa “Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3% vào năm 2025”. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thống đốc NHNN cho rằng cần có quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao, áp dụng nhiều hình thức và biện pháp hiệu quả.
Quang cảnh tọa đàm.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của các thành viên tham gia thị trường mua bán nợ trong những năm qua, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần nỗ lực, sẵn sàng hợp tác tương trợ giữa các thành viên tham gia thị trường nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong công tác mua bán xử lý nợ; tiến tới thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức mua bán nợ ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Phó Thống đốc nhấn mạnh, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tin tưởng rằng trong thời gian tới, trên tinh thần hợp tác tích cực giữa các bên, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ NHNN và các đơn vị liên quan trong việc hoàn thành các nội dung hoạt động tiếp theo, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng cũng như thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đồng thời, Phó Thống đốc đề nghị VAMC tổng hợp các ý kiến tại tọa đàm, hoàn thiện báo cáo kiến nghị gửi Ban lãnh đạo NHNN.
Các đại biểu tham gia trao đổi trong tọa đàm chuyên đề.
Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm như: Đánh giá toàn diện về hành lang pháp lý cho hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ nói chung, mua bán nợ xấu nói riêng tại Việt Nam, trong đó chỉ rõ những rào cản, những bất cập dưới góc độ khung pháp lý cần tháo gỡ cho sự phát triển của thị trường; Thực trạng và các giải pháp để đa dạng hóa các chủ thể tham gia, các hàng hóa trên thị trường, đề xuất các phương pháp định giá các khoản nợ/nợ xấu mang tính thị trường; Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, vận hành sàn giao dịch nợ/nợ xấu, cơ chế thu thập, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các chủ thể trên thị trường mua bán nợ; Đánh giá chính xác, thẳng thắn, toàn diện kết quả cũng như những hạn chế trong hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC sau 01 năm hoạt động, Định hướng về mô hình tổ chức, hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC đến năm 2025, định hướng 2030; Trên cơ sở những thách thức và cơ hội để đưa ra khuyến nghị chính sách chuyên sâu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, tại tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam; rào cản gia nhập thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam từ góc nhìn của nhà đầu tư tư nhân; kinh nghiệm chứng khoán hóa khoản nợ tại Hàn Quốc; phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về vận hành nền tảng giao dịch chợ điện tử… Bên cạnh đó, tọa đàm chuyên đề “Thách thức đối với sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam và đề xuất giải pháp” cũng được diễn ra trong khuôn khổ chương trình, là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người làm thực tế trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng học hỏi, trao đổi kiến thức.
Những tham luận, phát biểu trình bày tại hội thảo sẽ là kinh nghiệm quý đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu và định hình cho việc sự phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam.
LK - MT
Xem thêm: 908645VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www