TS Nguyễn Xuân Thành trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại hội thảo về vành đai 3 do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 2-12, TS Nguyễn Xuân Thành đánh giá các dự án giao thông trọng điểm trong vùng, gồm vành đai 3, dù chi phí đầu tư cao nhưng có lợi ích kinh tế lớn, với suất sinh lợi kinh tế khoảng 16-28%.
Thách thức nằm ở thực thi
"Thách thức của dự án vành đai 3 nằm ở thực thi. Bài học quá khứ cho thấy cả 3 vành đai quy hoạch, chưa có vành đai nào hoàn chỉnh", ông Thành nêu thách thức và nêu 4 kinh nghiệm quốc tế trong làm đường vành đai.
Thứ nhất, theo ông Thành, với những thuận lợi về chuẩn bị nguồn vốn, cơ chế chính sách đặc thù, năng lực doanh nghiệp thực hiện, thách thức làm vành đai 3 hiện nay lớn nhất là áp lực xã hội đặt lên vai trò điều phối của lãnh đạo 4 địa phương. Câu chuyện làm đường vành đai ở Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc cũng đặt lên người lãnh đạo.
Thứ hai, khi làm vành đai 3 không chỉ tập trung vào đường vành đai mà còn phải đồng thời quy hoạch, làm các tuyến đường cao tốc vành đai và cao tốc xuyên tâm kết nối với đường vành đai 3. Nếu làm đường vành đai mà không kết nối được với các đường cao tốc vành đai, hiệu quả sẽ rất thấp; nếu không kết nối được cả cao tốc vành đai và cao tốc xuyên tâm thì lợi ích còn suy giảm mạnh hơn.
Thứ ba, làm vành đai 3 phải gắn với phát triển đô thị. Theo kinh nghiệm quốc tế, đường vành đai phát triển đô thị phải hài hòa lợi ích, ưu tiên lợi ích giao thông, và sau đó mới đặt lên lợi ích bất động sản.
Kinh nghiệm thành công ở thành phố Ahmedabad (Ấn Độ), họ tận dụng vừa làm đường vành đai 3, vừa thu hồi đất, mạnh tay quy hoạch lại, tạo quỹ đất công rồi bán đấu giá, giao cho chủ đầu tư làm dự án. Kiểu hình thức phát triển này khắc phục được sự phát triển khu đô thị kiểu tự phát.
Thứ tư, ông Thành nêu kinh nghiệm với những cơ chế đặc thù dành riêng cho vành đai 3, các địa phương có thể xin áp dụng cho việc làm các dự án hạ tầng khác, kết nối với vành đai 3. Đây là cơ sở để sau đó hợp thức hóa, áp dụng cho cả vùng, cả nước.
Tập trung xử lý thể chế về thu hồi đất
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trình bày nội dung các cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói sâu vấn đề thể chế, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đánh giá vành đai 3 là dự án không chỉ quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội mà còn rất quan trọng cho việc phát triển thể chế.
"Đây là lần đầu tiên, một dự án liên kết 4 tỉnh trong vùng do các địa phương điều phối và không có sự điều phối trung ương (ở đây là Bộ Giao thông vận tải). Dự án thành công sẽ mở ra khả năng tư duy về thiết kế thể chế liên kết vùng - việc hiện nay chưa thực hiện được", ông Dũng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng lưu ý việc xử lý vấn đề thể chế đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông Dũng kiến nghị khi định giá đất đền bù phải tính đầy đủ, căn cứ cả loại đất, vị trí đất... để đảm bảo quyền lợi người dân và thực hiện việc thu hồi dễ hơn. Nếu chỉ tính giá đền bù theo loại đất sẽ rất khó để giải phóng mặt bằng.
"Chúng ta cũng cần tính đến việc tái định cư tại chỗ để hợp lòng dân. Người ta quê cha, đất tổ sống ngàn đời ở đó, vì làm đường có thể sẵn sàng rời đi nhưng nếu được ở lại gần đó sẽ vẫn tốt hơn", ông Dũng gợi ý.
Cần có quy hoạch đi kèm phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp
Một chuyên gia cho biết, tại Nhật Bản và Hàn Quốc có Bộ Giao thông và Đất đai, tức là việc phát triển hạ tầng gắn chặt với phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, logistics...
Bởi vậy khi chúng ta quy hoạch phát triển hạ tầng, cần có quy hoạch đi kèm phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp và hạ tầng tiện ích để đón đầu sự phát triển của cộng đồng dân cư trong tương lai gần.
TTO - Đó là một trong những câu hỏi lớn được đặt ra từ khi Quốc hội thông qua nghị quyết về dự án vành đai 3 TP.HCM, cũng là câu hỏi được nêu tại hội thảo về vành đai 3 do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 2-12.