Lúc cao điểm của đại dịch COVID-19, nhiều người làm việc tại nhà ngay cả khi bị sốt, ho, khó thở bởi nếu họ không làm thì việc không chạy. Giờ đây, khi bình thường trở lại, nhiều người tiếp tục làm việc ở nhà khi ốm đau.
Nhưng nếu như chúng ta có thể làm việc ở bàn bếp, trên ghế sofa lúc khỏe thì tại sao lại không thể làm việc trên giường, nhất là khi đang bệnh?
Trong thời ba vi rút đường hô hấp cùng trỗi dậy, nhiều người muốn ở nhà tĩnh dưỡng nhưng thực tế vẫn phải làm việc vì trong thời đại làm việc từ xa, ngưỡng được "công nhận" là bị bệnh dường như đã bị nâng lên một tầm cao mới, theo báo The Economist.
Mỗi tuần, người viết có ít nhất một ngày làm việc trên giường, bắt đầu lúc 3h sáng của ngày thứ ba, vì chuyện thức dậy, ra bàn làm việc ngồi thẳng lưng nghiêm túc lúc gà chưa gáy như vậy là cái gì đó gần giống với cực hình. Ngoài ra, làm vậy thì khi ca trực tinh mơ này kết thúc (8h30) có thể ngả ngay ra giường để mặc kệ đời.
Trên Instagram, hashtag #WorkFromBed (làm việc trên giường) thu hút hàng nghìn bức ảnh của người dùng. Trong nhiều bức ảnh, nhân vật chính mỉm cười trong bộ đồ ngủ, bên cạnh là tách cà phê và thậm chí cả bữa sáng trên khay, chẳng có vẻ gì là khổ sở, đau lưng hay mỏi cổ.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo biến giường ngủ thành chỗ làm việc có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, cả về tâm lý và thể chất. Ngay cả khi "hậu quả" không phải "nhãn tiền" thì cũng đừng quá chủ quan vì các tác dụng phụ lâu dài có thể tìm đến chúng ta sau này.
Cụ thể, làm việc trên giường không tốt cho cơ thể vì chúng ta khó xoay chuyển tư thế. Cổ, lưng, hông… bị căng cứng khi ngồi một tư thế trên bề mặt mềm, lún trong thời gian dài và chúng ta có xu hướng khom lưng hoặc nằm dài nghểnh cổ.
Susan Hallbeck - giám đốc hệ thống kỹ thuật chăm sóc y tế tại Mayo Clinic, một trong những viện nghiên cứu y khoa lớn nhất ở Mỹ - cho biết dù ngồi hay nằm làm việc trên giường, không có tư thế nào là tốt.
Với người trẻ, họ có thể không cảm thấy cổ, lưng, hông đau ngay lập tức nhưng cảm giác đau mỏi sẽ xuất hiện về sau, có thể sau một năm, tùy vào tần suất làm việc trên giường nhiều hay ít.
Làm việc trên giường sai tư thế có thể gây đau đầu, căng cứng kéo dài hoặc vĩnh viễn ở lưng, gây viêm khớp và bệnh đau cổ - đau ở xương, dây chằng và cơ cổ - cơ giúp chúng ta cử động. Bà Hallbeck khuyên: "Bất cứ khi nào bạn có thể dừng lại, hãy bỏ thói quen làm việc trên giường".
Rachel Salas, phó giáo sư thần kinh học và chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Johns Hopkins ở Maryland, cho biết bà thường khuyên mọi người giường là nơi dành cho ba chữ S: Sleep (ngủ), Sex (tình dục) hoặc Sick (ốm đau), chứ không phải nơi dành cho chữ W (work, làm việc).
Theo Salas, càng xem TV, chơi điện tử và không ngủ trên giường (tức các hoạt động ngoài 3 chữ S), não chúng ta bắt đầu xây dựng các liên kết để hình thành các hành vi có điều kiện - cụ thể là ngừng liên kết giường ngủ với việc nghỉ ngơi.
Khi chúng ta đặt quanh giường mình nào máy tính, điện thoại, ghi chép công việc… dần dà, não và cơ thể của chúng ta sẽ ngừng liên hệ giường ngủ với việc nghỉ ngơi.
Điều này lý giải vì sao đại dịch COVID-19 dẫn đến sự gia tăng đột biến các trường hợp bị mất ngủ và rối loạn giấc ngủ trên toàn cầu.
Salas giải thích với BBC: "Làm việc trên giường nghĩa là chúng ta đang huấn luyện bộ não phải tỉnh táo và [nói với nó rằng] chính ở đây, trên chiếc giường này, ý tưởng hay ho sẽ xuất hiện và đây là nơi làm việc.
Vì vậy, khi cố thư giãn và đi ngủ, não sẽ phản đối và kích hoạt chế độ tỉnh táo để làm việc".
Hội chứng chân không yên (restless leg syndrome) là một rối loạn thần kinh, gây ra cảm giác muốn di chuyển chân không kiểm soát được, thường là do cảm giác không thoải mái như đau nhói, co kéo, tê.
Trong trường hợp này, các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng cần được nghỉ ngơi để tránh xuất hiện triệu chứng.
Mất ngủ, đau mỏi cơ thể hoặc sự kết hợp cả hai dần dà cũng sẽ khiến công việc của chúng ta kém hiệu quả, khả năng sáng tạo hoặc tập trung bị sa sút.
Hallbeck cho rằng các yếu tố di truyền, môi trường, mức độ "lậm" vào thói quen làm việc trên giường, thời gian bị "lậm", tuổi tác… đều có vai trò quan trọng trong việc xác định liệu làm việc trên giường trong một năm hoặc lâu hơn có thực sự có hại cho một người hay không.
Nhưng bà cũng xác nhận rằng "một số người làm việc trên giường có thể không bị sao và họ có thể huấn luyện não phân biệt giữa làm việc trên giường và ngủ trên giường".
Thủ tướng Anh Winston Churchill hồi Thế chiến thứ II, nổi tiếng là không ra khỏi giường cho đến 11h.
Ông đọc cho người đánh máy chữ trong lúc ăn sáng. Edith Wharton, William Wordsworth và Marcel Proust viết văn và làm thơ trên giường. Nhà văn Mỹ Truman Capote thú nhận rằng: "Tôi không thể suy nghĩ trừ khi được nằm".
Trở lại sự bùng nổ của những người làm việc trên giường thời đại dịch, có người giải thích rằng COVID-19 khiến mọi người cảm thấy tồi tệ và khi cảm thấy tồi tệ, khó mà ra khỏi giường cho được, thôi thì đành làm việc trên giường.
Thôi thì, trên giường cũng được, ở cơ quan cũng được, miễn làm tốt công việc là được. Ashley Whillans, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, đúc kết: "Được lựa chọn nơi làm việc và cách hoàn thành công việc có thể cải thiện sự hài lòng của nhân viên".
Đó là chưa nói nhiều người khẳng định làm việc trên giường chẳng liên quan đến lười biếng hay tâm trạng chán đời.
Tessa Miller, tác giả cuốn sách What Doesn’t Kill You (Những thứ không hạ gục bạn) kể về cuộc đấu tranh với căn bệnh Crohn (bệnh viêm đường ruột) mãn tính của mình cho biết với người bệnh như cô, làm việc trên giường vì nó phải thế.
Cô hy vọng những "định kiến" về việc làm việc trên giường sẽ bị xóa bỏ vì COVID-19 đã chứng minh nằm làm cũng có thể mang lại những kết quả xuất sắc như ngồi làm việc.
Ngay cả khi bạn hoàn toàn ổn khi làm việc trên giường và không muốn thay đổi thói quen này, một chút cẩn thận là không thừa.
Xem thêm: mth.23521525102112202-gnouht-hnib-oc-gnouig-nert-ceiv-mal/nv.ertiout