Ngày 30/11 vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng với tốc độ chậm hơn. Ông Powell nói, việc điều tiết tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ được thực hiện ngay sau cuộc họp tháng 12. Ông cũng nhấn mạnh chính sách tiền tệ vẫn sẽ thắt chặt cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát có những bước tiến đáng kể.
Qua bài phát biểu của Chủ tịch Fed, thị trường kỳ vọng lần tăng lãi suất sắp tới của Fed sẽ là 0,5 điểm phần trăm chứ không phải 0,75 điểm phần trăm như các lần trước. Lý do là lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt.
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 với chủ đề: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức sáng 2/12, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư VCBF nhận định, lạm phát của Mỹ đã giảm và dự báo đến tháng 6, 7/2023 sẽ giảm khá mạnh. Do thông thường Mỹ sẽ so sánh lạm phát với 12 tháng trước.
Khi so với thời điểm tháng 6/2022 là giai đoạn giá năng lượng tăng cao, trong trường hợp đầu năm 2023 giá năng lượng còn điều chỉnh giảm, sẽ kéo theo lạm phát giảm. Tuy không thể về mức 2%, nhưng chắc chắn không thể cao như hiện nay. Như vậy, thị trường kỳ vọng đỉnh lãi suất của Fed sẽ đạt được vào đầu năm 2023 và nửa sau năm 2023 sẽ không còn áp lực tăng lãi suất nữa.
Với tính chất là thị trường của sự kỳ vọng, ông Duy Anh cho rằng, thị trường chứng khoán luôn luôn đi trước diễn biến của chính sách vĩ mô. Nhà đầu tư đang ký vọng Fed giảm cường độ tăng lãi suất và nếu điều này diễn ra đúng như kỳ vọng, hoặc là mức tăng thấp hơn, khi đó, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực nhất định.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Invesment Banking chia sẻ qua Zoom. |
Còn ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Invesment Banking (MSVN) nhìn nhận, thị trường đã bắt đầu điều chỉnh từ tháng 4 sau khi đạt đỉnh 1.500 điểm, đặc biệt mạnh trong 2 tháng qua. Ông Thành cho rằng, sự điều chỉnh đó liên quan đến những sự việc điều tra trái phiếu của Tân Hoàng Minh, sau đó là áp lực tỷ giá, tăng lãi suất từ cuối tháng 9.
Thị trường chứng khoán vẫn bị tác động bởi yếu tố lãi suất. Theo ông Thành, có hai yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất là tỷ giá và lạm phát.
Về áp lực tỷ giá, theo ông Thành, áp lực tỷ giá không phải do yếu tố nội tại, mà do đồng USD tăng mạnh khi Fed phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Sau số liệu tháng 10, lạm phát ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, cho thấy chính sách tăng lãi suất của Fed đã phát huy hiệu quả, nên cơ quan này có thể điều chỉnh dần việc tăng lãi suất, giữ tiến trình tăng lãi suất như đã cam kết với thị trường đến cuối năm sau sẽ đạt đỉnh.
Ông Thành cho rằng, thị trường đã phản ứng trước với điều đó, dẫn chứng là chỉ số Dollar Index đã giảm dần từ 2 tuần gần đây. Điều này khiến áp lực tỷ giá trong nước hạ nhiệt dần và thị trường có thể tin rằng, áp lực tỷ giá lên lãi suất của Việt Nam có thể tạo đỉnh nhanh trong thời gian tới.
Theo ông Thành, yếu tố cần quan tâm là lạm phát. Lạm phát không phải yếu tố của năm nay, nhưng năm sau, ít nhất nửa năm sau.
Ông Thành tin rằng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi vấn đề lạm phát rất cẩn thận vì VNĐ đã mất giá khoảng 8% so với USD và Việt Nam sẽ chịu áp lực nhập khẩu lạm phát một phần. Một phần khác là mức nền so sánh CPI năm 2021, 2022 rất tốt, nên năm 2023 áp lực lạm phát sẽ là điều thị trường cần phải quan tâm.
Nếu đến tháng 6/2023, lạm phát Việt Nam được kiểm soát trong mức cho phép (Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%), cùng với diễn biến mức hợp lý sẽ có không gian để Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý chấp nhận chính sách nới lỏng hơn. Trong đó, sẽ bao gồm cả giảm lãi suất và nới room tín dụng vào cuối năm.