Cơ sở lọc dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của Tập đoàn Rosneft ở phía bắc tỉnh Krasnoyarsk (Nga) - Ảnh: REUTERS
"Cần phải hạ trần giá dầu xuống mức 30 USD/thùng để phá hủy nền kinh tế của Nga nhanh hơn nữa", Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak kêu gọi trên kênh Telegram chính thức ngày 3-12.
Hôm 2-12, Úc cùng nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada thông báo đã đạt được đồng thuận về trần giá dầu xuất khẩu Nga từ ngày 5-12. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng xác nhận đã đạt được thống nhất nội bộ về giá trần dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển.
Theo đó, các nước sẽ không mua dầu của Nga nếu cao hơn mức 60 USD/thùng, doanh nghiệp EU bị cấm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, tài chính, vận tải đường biển cho các hợp đồng cao hơn giá trần.
Phương Tây đã kêu gọi thành lập một "liên minh toàn cầu" sử dụng giá trần do các nước này thiết lập, với lập luận rằng việc này chỉ có lợi chứ không có hại trong bối cảnh dầu thô đang cao (hiện dao động quanh mức 80 USD/thùng).
Mục đích cuối cùng của phương Tây là giảm nguồn ngoại tệ, gây sức ép lên nền kinh tế Nga để Matxcơva kết thúc xung đột tại Ukraine.
Phương Tây cũng kỳ vọng sự hưởng ứng của nhiều nước với giá trần sẽ giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng toàn cầu, từ đó giúp các nước này kiểm soát lạm phát và giá sinh hoạt, vốn đang là nguồn cơn của những chỉ trích và thất vọng của người dân.
Trong tuyên bố đăng trên kênh Telegram chính thức ngày 3-12, Đại sứ quán Nga tại Mỹ gọi động thái của G7, Úc và EU là "bước đi nguy hiểm" nhằm "nắn" lại các nguyên tắc thị trường tự do.
"Những động thái như thế này chỉ dẫn đến sự bất ổn ngày càng tăng và khiến những nước sử dụng dầu thô tốn nhiều tiền hơn", Đại sứ quán Nga nhấn mạnh.
Theo Nga, bất chấp "sự ve vãn" như hiện tại của phương Tây bằng những công cụ "nguy hiểm và phi pháp", Nga vẫn sẽ có khách mua dầu cao hơn giá trần.
Về nguyên tắc, các nước không tham gia "liên minh" giá trần của phương Tây vẫn có thể mua dầu với giá cao hơn mà không gặp sự trừng phạt gì. Tuy nhiên, việc các công ty EU không được phép tham gia vận chuyển dầu được dự đoán sẽ đẩy chi phí cao hơn.
Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho các nước sử dụng giá trần của phương Tây, điều theo giới quan sát đã khiến Ấn Độ và một số nước nhập khẩu nhiều dầu từ Nga đứng ngoài "liên minh".
TTO - Ngày 2-12, nhóm G7 và Úc thông báo đồng ý mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi các thành viên Liên minh châu Âu vượt qua sự phản đối từ Ba Lan và đạt được thỏa thuận này trước đó.
Xem thêm: mth.97063246130212202-agn-et-hnik-teid-yuh-ed-aun-nahp-noc-uad-aig-nart-maig-noum-eniarku/nv.ertiout