Sợi Thế Kỷ (STK)
Với thông điệp chủ đạo và xuyên suốt “giảm carbon footprint, chống biến đổi khí hậu”, STK đã lần đầu tiên giành giải Nhất Báo cáo PTBV. Trong 6 năm gần đây, STK luôn lọt vào danh sách Top 10 Báo cáo PTBV tốt nhất và lần lượt đoạt giải Ba và giải Nhì vào năm 2020 và 2021, cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các doanh nghiệp vốn hoá lớn. Đây là một phần thưởng rất xứng đáng cho một tầm nhìn dài hạn, những nỗ lực không mệt mỏi, sự kiên định trong chiến lược thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững của STK.
Từ năm 2016, khi hàng trăm thương hiệu thời trang lớn như Nike, Adidas, Puma, H&M, Hugo Boss… cùng cam kết tăng thị phần polyster tái chế lên 45% vào năm 2025, STK đã dự báo nhu cầu sợi tái chế sẽ bùng nổ trong tương lai, nên quyết định đưa loại sợi này thành sản phẩm trọng tâm, động lực tăng trưởng cho Công ty trong trung và dài hạn
Cần nói thêm, ngành may mặc và da giày chiếm khoảng 8,1% tác động đến tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, trong đó tất cả công đoạn làm ra sản phẩm sợi nhân tạo chịu trách nhiệm đến 68% lượng phát thải của toàn ngành. Việc STK tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, tăng tỷ trọng sợi recycle trong tổng doanh thu lên hơn 50% trong năm 2021 và hướng tới mục tiêu 100% vào năm 2025 (đối với nhà máy hiện hữu ở Củ Chi và Trảng Bàng); sợi nhuộm dope dyed… có một ý nghĩa rất lớn. Công ty đã gián tiếp tái chế 3,04 tỷ chai nhựa đã qua sử dụng, góp phần giảm rác thải nhựa.
Về mặt doanh thu, với yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo các FTA thân thiện với môi trường giúp nhu cầu sợi tái chế lên cao, giúp hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ hưởng lợi.
Với một báo cáo PTBV được trình bày sáng tạo, STK đã rất thành công trong việc cung cấp cho cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan một bức tranh toàn diện về cuộc chiến “giảm carbon footprint, chống biến đổi khí hậu”.
Vinamilk (VNM)
Báo cáo PTBV năm 2021 của Vinamilk với chủ đề Kiến tạo Niềm tin - Chia sẻ Thịnh vượng đã khắc họa rõ nét cách thức Việt Nam tạo niềm tin và theo đuổi mục tiêu PTBV của mình.
Là một trong các doanh nghiệp xuất sắc nhất trong việc công bố thông tin về PTBV trong 10 năm qua tại Việt Nam, Vinamilk một lần nữa cho thấy họ nghiêm túc như thế nào trong việc theo đuổi các mục tiêu PTBV. Ngoài những thế mạnh truyền thống như tính đầy đủ, tính xuyên suốt và nhất quán, Vinamilk năm nay đã tự làm mới mình và làm tốt hơn ở một số khía cạnh sau:
Ở góc độ gắn kết với các bên liên quan, Vinamilk đã thành lập nhóm chuyên gia địa phương (LMG - Local Management Group) để hỗ trợ Công ty trong việc đưa ra các ý kiến về các nội dung trọng yếu đối với các bên liên quan. Nhóm LMG cùng với một loạt hoạt động và khảo sát với các bên liên quan về các lĩnh vực trọng yếu có lẽ đã giúp Vinamilk có được cái nhìn rõ nét hơn về nhu cầu của các bên liên quan. Nếu như Vinamilk có thể mô tả rõ nét hơn vai trò và đóng góp của LMG trong việc tham vấn các bên liên quan thì sẽ trọn vẹn hơn.
Trong nhiều năm, Vinamilk là một trong số ít các đơn vị đã công bố thông tin về dấu chân carbon. Tuy nhiên năm nay, Vinamilk còn làm tốt hơn thế khi công bố đầy đủ về phát thải khí nhà kính theo cả 3 phạm vi (scope 1, 2 và 3) đối với từng hoạt động chính của Công ty (chăn nuôi, sản xuất, cung ứng thành phẩm, cung ứng sữa tươi nguyên liệu). Có thể nói, việc đo lường và công bố thông tin về dấu chân carbon theo cả 3 phạm vi là một nỗ lực rất đáng kể của Vinamilk trong bối cảnh ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp có thể kiểm kê và công bố thông tin như vậy. Không chỉ có thế, chỉ tiêu tổng lượng phát thải khí nhà kính (GRI305) cũng được PwC kiểm toán. Trong những năm tiếp theo, Vinamilk có thể cân nhắc công bố các phân tích sâu sắc hơn về xu hướng phát thải qua các năm, kế hoạch và các sáng kiến đối với từng nhóm hoạt động chính để hoàn thiện tốt hơn báo cáo của mình.
Điện Gia Lai (GEG)
Năm nay đánh dấu sự trở lại của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) trong tốp đầu các doanh nghiệp có báo cáo PTBV tốt nhất. Mặc dù không xây dựng một báo cáo riêng về PTBV, nhưng GEG vẫn công bố và cung cấp những thông tin mang tính toàn diện và bao quát về Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) trong hoạt động của Công ty theo những thông lệ phù hợp về khung báo cáo và các định chuẩn có liên kết chặt chẽ như 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SGDs) và Tiêu chuẩn GRI, cũng như các hướng dẫn của IFC và của ngành năng lượng trong kỷ nguyên xanh.
Ngay từ đầu, báo cáo đã khái quát được bức tranh toàn cảnh về biến đổi khí hậu toàn cầu và cam kết net zero của Việt Nam tại COP26, cũng như thông điệp về các tác động, ảnh hưởng với ngành và các trọng tâm hoạt động của GEG.
Ngành nghề hoạt động của GEG là năng lượng tái tạo, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Chính phủ. Khi áp dụng GRI 2021, GEG thực hiện phân tích đánh giá hiệu quả PTBV với 36/98 tiêu chuẩn có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Công ty. Công ty cũng đã thể hiện cam kết tuân theo hướng dẫn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên về giảm thiểu tác động đa dạng sinh học liên quan đến phát triển điện mặt trời và điện gió.
GEG là một trong số ít các đơn vị đi đầu trong việc công bố thông tin thống kê và đo lường phát thải theo GRI 305, đặc biệt là thông tin về khí nhà kính. Trong năm 2021, với 20 nhà máy năng lượng tái tạo và 34 hệ thống áp mái tổng công suất gần 600 MWp, GEG đã đóng góp giảm phát thải 1,2 triệu tấn CO2, tăng 534.210 tấn so với năm 2020 (tăng 47%). Lũy kế lượng giảm phát thải CO2 từ lúc Công ty thành lập 1989 cho đến nay lên đến 8,5 triệu tấn, tương đương gần 3% tổng khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2020.
Với nhận thức sâu sắc về phát triển bền vững và tác động với biến đổi khí hậu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, chúng tôi tin rằng, GEG sẽ tiếp tục thể hiện các cam kết, cũng như công bố thông tin về ESG trong những năm tiếp theo.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH)
Trở lại “đường đua” sau một năm vắng bóng, BVH tiếp tục thể hiện là một trong những báo cáo PTBV hàng đầu tại Việt Nam.
Về hình thức, báo cáo vẫn rất “hoành tráng”, trình bày đẹp và chuyên nghiệp với các biểu đồ và hình ảnh minh họa sinh động. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung được trình bày hơi dàn trải, có thể cô đọng lại.
Ngoài ra, công nghệ hiện đại, tích hợp đa nền tảng của BVH có vẻ hơi phức tạp cho một người sử dụng báo cáo thông thường. Thực tế, chúng tôi đã cố gắng tải xuống từ kho ứng dụng của Apple báo cáo tích hợp của BVH nhiều lần nhưng đều không thành công. Có lẽ BVH cần phải xem xét lại mặt này để đảm bảo trải nghiệm của người đọc.
Về nội dung, BVH vẫn là một báo cáo chuẩn mực theo Bộ tiêu chuẩn GRI Standards và gắn kết với 17 mục tiêu SDGs.
Tính xuyên suốt của chiến lược PTBV của BVH trong chuỗi giá trị được thể hiện ở các quyết định đầu tư có sự cân nhắc đến yếu tố ESG, đồng thời lồng ghép tính bền vững trong chuỗi cung ứng và quy trình lựa chọn nhà cung cấp. Việc này được báo cáo minh chứng ở bảng điểm đánh giá nhà cung cấp có bao gồm các tiêu chí PTBV. Tuy nhiên, các số liệu chứng minh cho sự ảnh hưởng của PTBV vào các quyết định đầu tư còn chưa được thể hiện; không có số liệu chi tiết cụ thể về tài chính xanh hoặc KPI để hỗ trợ.
Về mặt quản trị PTBV, BVH vẫn thể hiện là một doanh nghiệp hàng đầu với việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động và đào tạo (ISO 19600) hoặc báo cáo (GRI Standards). Doanh nghiệp cũng dành ra một nguồn lực hùng hậu là Tổ Thường trực về PTBV (Core Team) với 18 thành viên.
Về số liệu, báo cáo có thể hiện số liệu chỉ tiêu cụ thể (qua các tháng) về năng lượng tiêu thụ, có phân tích sự biến động, tuy nhiên chưa được quy ra lượng khí nhà kính tương đương (chỉ có quy đổi khi đề cập về năng lượng tiết kiệm), cũng như không có chỉ tiêu phấn đấu.
Riêng về lãnh vực Đa dạng và cơ hội bình đẳng, báo cáo đã trình bày được số liệu phân tích tỷ lệ nam/nữ ở các cấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có chủ trương chính sách cụ thể để nâng cao tỷ lệ nữ giới, dù tỷ lệ nữ trong Ban quản lý còn rất thấp, nhất là ở cấp cao.
Tiếp thu ý kiến đóng góp trước đây về lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy BVH đã có một sự cải thiện rất ấn tượng trong việc trình bày rất rõ ràng và cụ thể ở phần thông tin chung và ở từng chỉ tiêu báo cáo phạm vi đảm bảo độc lập của kiểm toán nội bộ. Điều này làm tăng cường đáng kể độ tin cậy của báo cáo BVH.
TTC Biên Hòa (SBT)
Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) một gương mặt không xa lạ gì trong tốp đầu các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn trong Cuộc Bình chọn doanh nghiệp niêm yết hàng năm. Năm nay, SBT tiếp tục tạo dấu ấn của mình trong tốp đầu các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo PTBV chất lượng tốt nhất.
SBT xác định rõ được đối tượng mà báo cáo PTBV cần hướng tới, cũng như các tác động về xã hội - môi trường xuyên suốt trong chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, từ hệ thống vùng nguyên liệu, đến các kênh phân phối và trọng tâm gắn liền với chuỗi giá trị của cây mía. Báo cáo thể hiện tính logic và kết nối chặt chẽ giữa các mục tiêu chiến lược tích hợp với mục tiêu PTBV, sự tham gia và trách nhiệm của các cấp, các bên trong quản trị PTBV, các thước đo giá trị và tác động PTBV theo quy định, theo các tiêu chuẩn chung, cũng như của ngành. Bên cạnh các tiêu chuẩn và hướng dẫn theo thông lệ như 17 mục tiêu SDGs của Liên hiệp quốc, Tiêu chuẩn GRIs, thì SBT cũng áp dụng hiệu quả những quy định và công cụ cụ thể để thể hiện rõ các cam kết về ESG trong hoạt động của mình, như kết quả bảng điểm ACGS về quản trị công ty, các hướng dẫn của IFC, các hướng dẫn của Investors in People, các định chuẩn chuyên ngành cụ thể như ISO/EMAS, Chứng nhận An toàn thực phẩm HCA, Chứng nhận Kosher, Chứng nhận FSSC 22000, ISO 9001:2015, ISO 14001:2004, Chứng nhận Organic (EU) và USDA (Mỹ).
Đặc biệt, báo cáo của STB đã thể hiện rõ nét việc đo lường và quản trị tác động môi trường từ phát thải và chất thải một cách xuyên suốt trong từng hoạt động và sản phẩm chính. Trong tương lai, STB cần tiếp tục tập trung vào những vấn đề trọng tâm liên quan đến biến đổi khí hậu và khí nhà kính gắn liền với chuỗi cung ứng “xanh và tuần hoàn” của mình.
Nhà đầu tư, cổ đông và thị trường kỳ vọng SBT tiếp tục là lá cờ đầu trong việc thể hiện và công bố thông tin, cũng như cam kết thực hành về PTBV trong những năm tiếp theo.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX)
Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cung ứng xăng dầu - nhiên liệu hóa thạch, PLX đã thể hiện được trách nhiệm khi liên tục đạt giải thưởng báo cáo PTBV trong nhóm dẫn đầu.
Báo cáo PTBV năm 2021 của PLX được xây dựng chi tiết, đảm bảo tiêu chuẩn về trình bày, cung cấp thông tin và lan tỏa các thông điệp, hoạt động và thành tựu về PTBV của Tập đoàn.
Với phương châm “Tối ưu nội lực - Lan tỏa giá trị”, PLX truyền tải thông điệp tối ưu hóa các nguồn lực để vượt qua các khó khăn, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19 gây ra ảnh hưởng đáng kể cho việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam và toàn cầu.
Về tổng thể, báo cáo PTBV được trình bày một cách tổng thể, logic và bám sát các Chỉ tiêu GRI, giúp người đọc có được sự đánh giá tính chính xác và tin cậy của thông tin trình bày và thông tin tổng quan về hoạt động PTBV của Tập đoàn.
Một điểm nổi bật là PLX đã truyền tải nhiều thông điệp, giải pháp và cam kết hướng tới năng lượng xanh, giảm phát thải ròng phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26. Báo cáo cũng đã đưa ra các giải pháp để thực hiện, bao gồm việc lựa chọn các nhà cung ứng đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng xanh, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và các giải pháp kinh tế tài chính xanh.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số hạn chế, như các giải pháp về năng lượng xanh và giảm phát thải được trình bày chủ yếu là các mục tiêu và tầm nhìn. Việc thực hiện thực tế trong kỳ báo cáo còn hạn chế và chưa thể hiện được thông qua các thông số phân tích về việc giảm phát thải.
Báo cáo có nhắc đến mục tiêu giảm khí nhà kính, nhưng không đưa ra được phân tích hiện trạng, thông số phát thải và các giải pháp cụ thể để giảm phát khí nhà kính.
Các thông tin phân tích trong báo cáo chủ yếu từ số liệu nội bộ, tổng hợp qua các năm của Tập đoàn, mà chưa có sự so sánh tổng thể ngành, các đơn vị trong cùng lĩnh vực, hoặc theo tiêu chuẩn chung, dẫn đến việc thiếu thông tin trong đánh giá tính hiệu quả của hoạt động PTBV. Ngoài ra, các thông tin cũng chưa được kiểm chứng bởi các bên đánh giá độc lập.
Dược Hậu Giang (DHG)
Liên tục nằm trong top 10 báo cáo PTBV qua nhiều năm, DHG luôn mang lại cho người đọc một sự tin cậy về các cam kết của doanh nghiệp trong PTBV đối với cổ đông nói riêng và cộng đồng nói chung.
Cũng như các năm trước, báo cáo năm 2021 với chủ đề “Chiến binh quả cảm - Vạn lời cảm ơn” đã làm tốt trong việc phân tích bối cảnh thế giới và Việt Nam. Báo cáo cũng đã miêu tả chi tiết nguyên tắc tiếp cận và tương tác, đồng thời xác định, đánh giá ưu tiên các bên liên quan, hiểu rõ mối quan tâm và nêu được hành động của DHG để đáp ứng các kỳ vọng đó.
Báo cáo đã gắn kết các chỉ số môi trường năm 2021 với 17 mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc (SDG) và thể hiện hầu hết các chỉ tiêu yêu cầu của Thông tư số 96/2020/TT-BTC về cung cấp thông tin như: Năng lượng, Nước, Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường…
Báo cáo đã dành phần đáng kể để trình bày rất chi tiết về các biện pháp kiểm soát nước thải cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động của khí thải. Tuy nhiên, số liệu về Khí thải không được tách riêng mà nằm chung trong phần Nước và nước thải có thể làm khó khăn cho người đọc báo cáo.
Báo cáo có thể hiện số liệu tỷ lệ nhân viên nữ 2021, nhưng chỉ nêu chính sách chung mà không có chiến lược ưu tiên, hay mục tiêu phấn đấu về đa dạng và bình đẳng giới.
Ngoài ra, một số hạn chế đã được đề cập trong nhận xét của các năm trước vẫn nên khắc phục. Chẳng hạn, quy trình quản lý cụ thể của doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung vào an toàn và môi trường, chưa mở rộng ra toàn bộ các lĩnh vực của PTBV, thể hiện ở việc chưa có ban chuyên trách về PTBV, mà chỉ dừng ở bộ phận chuyên trách về môi trường; chỉ đề cập đến rủi ro về tuân thủ quy định HSE (Health - Safety - Environment: Sức khỏe - An toàn - Môi trường), mà không thấy nhận định rủi ro về lao động, xã hội… Số liệu được trình bày qua nhiều năm và cần có thêm phân tích, giải thích về thay đổi hoặc có mục tiêu phấn đấu.
Nhìn chung, mặc dù vẫn là một báo cáo PTBV tốt, DHG có vẻ bị chững lại trong việc cập nhật và đa dạng hóa báo cáo của mình trong các năm vừa rồi, dẫn đến thứ hạng có thể bị tụt lại so với các báo cáo khác.
Tập đoàn Novaland (NVL)
Được đánh giá là một trong những đơn vị có sự đầu tư về báo cáo PTBV và liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu về báo cáo PTBV trong các năm trước, báo cáo PTBV năm 2021 của NVL tiếp tục được phát huy và thể hiện các nội dung chất lượng đối với người đọc.
Một điểm mạnh trong báo cáo PTBV của NVL trong các năm trước và kỳ báo cáo hiện hành là việc trình bày thông tin mạch lạc, liên kết và bám sát các chỉ tiêu của GRI. Theo đó, người sử dụng báo cáo có thể đánh giá tính đầy đủ và thông điệp của NVL thông qua báo cáo PTBV.
Các thông tin trong báo cáo PTBV của NVL cũng có tính thuyết phục và đảm bảo hơn các đơn vị khác với việc được đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận một số thông tin về PTBV. Việc sử dụng đơn vị độc lập xác nhận thông tin thể hiện sự đầu tư lớn của NVL đối với việc tăng cường minh bạch trong công bố thông tin về PTBV và cam kết của NVL đối với việc thực hiện các mục tiêu về PTBV.
Tuy nhiên báo cáo vẫn còn một số hạn chế, thiếu tính đột phá. Cụ thể, các mục tiêu PTBV cho giai đoạn 2021 - 2025 dù được mô tả chi tiết, nhưng các nội dung này chưa được lượng hóa và thông tin về phương pháp đo lường, đánh giá tính hiệu quả và có thể đạt được.
Báo cáo chưa đề cập cụ thể về tình hình phát thải khí nhà kính, các mục tiêu giảm phát và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, một trong những nội dung quan trọng của COP26 mà Việt Nam cam kết thực hiện.
Báo cáo thể hiện nhiều thông tin tham chiếu, bao gồm các thông tin về thành tựu đạt được và các chỉ số biến động qua các năm về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, các thông tin mang tính chất nội bộ, chưa được so sánh với các chỉ tiêu ngành, lĩnh vực hoạt động và do đó chưa đảm bảo tính toàn diện của thông tin cho người đọc.
PAN Group (PAN)
Tiếp theo chủ đề “Hợp tác và lan tỏa” trong 2 năm trước đó, “Kiến tạo giá trị chia sẻ” được chọn là chủ đề của báo cáo PTBV năm 2021.
Với lợi thế có một chuỗi cung ứng rộng khắp, từ nuôi trồng và khai thác, cung cấp nguồn giống, nhà máy thu hoạch chế biến, hệ thống phân phối hàng tiêu dùng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong cả hai mảng nông nghiệp và thực phẩm, PAN đã chọn Tạo giá trị chia sẻ để đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn, bền vững hơn với động lực mạnh mẽ hơn làm chủ đề xuyên suốt Báo cáo PTBV của mình.
Được mô tả khá toàn diện trong báo cáo, Giá trị chia sẻ (CSV), với quan điểm sự hợp tác cùng sản xuất - kinh doanh với các bên sẽ tạo ra nguồn lực vô hạn và lâu dài, là mục tiêu tổng thể của định hướng phát triển bền vững Tập đoàn PAN trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh Farm - Food - Family.
Với việc xây dựng một Bộ chỉ số PTBV riêng (bao gồm 18 chỉ số) từ những năm trước, đã có ưu điểm bao trùm, thể hiện đầy đủ các khía cạnh ESG trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, PAN nên xem xét, cập nhật quá trình lựa chọn, thu thập và báo cáo các chỉ số, dữ kiện một cách hài hoà, đặc biệt khi Báo cáo ESG theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC đã bắt đầu có hiệu lực với sự bổ sung cụ thể cho chỉ số tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp, cũng như các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Làm được vậy, PAN sẽ cung cấp cho nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan một bức tranh không chỉ toàn diện, mà còn mang tính chính xác, với độ tin cậy cao hơn, đảm bảo vị thế Top 10 của mình trong thời gian tới.
Everpia (EVE)
Tiếp nối thành công năm trước với giải Tiến bộ và lọt vào Top 10, báo cáo PTBV của Everpia năm 2021 có nhiều điểm nổi bật. Mặc dù nằm chung trong báo cáo thường niên, báo cáo PTBV của Everpia đã thể hiện đầy đủ các yêu cầu của Chuẩn mực GRI một cách súc tích, phù hợp với một doanh nghiệp nhỏ. Báo cáo cũng có hình thức khá hiện đại, đẹp với cấu trúc hợp lý và chặt chẽ, cân đối giữa số liệu và phân tích, giải trình giúp người đọc hiểu được vấn đề chi tiết, nhanh chóng mà không cảm thấy nhàm chán.
Đầu tiên là cam kết PTBV qua thông điệp của Chủ tịch HĐQT với chủ đề “Đồng hành trọn khoảnh khắc” thể hiện một “Tầm nhìn chiến lược dài hạn”, nhưng gắn liền với từng “quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng ngày” để có thể kiến tạo ra giá trị cho các bên liên quan.
Chiến lược PTBV đó đã được doanh nghiệp cụ thể hóa với số liệu so sánh qua các năm, điển hình là bảng “Mục tiêu hành động về PTBV giai đoạn 2020 - 2023 và Đánh giá kết quả năm 2021” trong báo cáo đã thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng các hành động PTBV xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Everpia và sự gắn kết với chương trình hành động của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, cũng như nhận xét của năm trước, báo cáo vẫn chưa mở rộng ra đến hết chuỗi cung ứng.
Everpia nằm trong một số ít doanh nghiệp có đề cập chi tiết đến phát thải khí nhà kính và bình đẳng giới với những phân tích, giải trình khá đầy đủ và thuyết phục. Doanh nghiệp cũng đã có những mục tiêu rất rõ ràng và cụ thể về phát thải khí nhà kính và bình đẳng giới. Đây thực sự là một thành tích đáng nể, bởi các mục tiêu này không phải bất cứ doanh nghiệp nào, kể cả những doanh nghiệp vốn hóa lớn, cũng dũng cảm dám đề ra và đạt được.
Doanh nghiệp đã có Ủy ban PTBV là bộ phận chuyên trách quản lý và điều phối các công tác về PTBV, đồng thời đã áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế như Higg Index, GRS, BSCI… trong hoạt động sản xuất.
Quá trình tham vấn các bên liên quan được trình bày một cách ngắn gọn và có hệ thống, đã nêu bật lên được mức độ trọng yếu của các vấn đề mà doanh nghiệp phải tập trung.
Về số liệu, báo cáo có so sánh qua các năm và đánh giá thực hiện cụ thể. Về mục tiêu tương lai, các dự án xanh về điện mặt trời và xây dựng nhà máy theo chuẩn EDGE Advance của IFC... thực sự là các hành động thiết thực về PTBV của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như nhận xét của năm trước, báo cáo vẫn chưa có so sánh qua các năm của nhiều chỉ tiêu như tai nạn lao động, chỉ số tiếng ồn, bụi bông…