Niềm vui của những sinh viên nghèo vượt khó khi nhận những suất học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: HOÀI BÃO
Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi hình ảnh hai tân sinh viên Trường ĐH Phú Yên là Đặng Thị Lan Trinh và Nguyễn Dương Lệ Thu Thơm xuất hiện trên màn hình.
Một phần học bổng mua thuốc cho mẹ
Đến trường trên đôi vai của nội
Khi Lan Trinh lên 7 tuổi, mẹ qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Không lâu sau đó người cha cũng bỏ hai con đi biệt tăm. Chị em Trinh lớn lên nhờ vòng tay yêu thương của vợ chồng người cậu ruột.
Nuôi hai con ruột đã khó, giờ phải gánh luôn hai cháu ăn học, cậu mợ Trinh phải làm đủ nghề: nấu rượu, làm ruộng, bán vé số... nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Đỗ đại học nhưng Trinh khóc rất nhiều khi nghĩ cảnh côi cút của mình, thương cậu mợ vất vả cưu mang và trước mắt còn quá nhiều vất vả...
Thu Thơm có ba chị em. Cha mẹ ly hôn, mỗi người một ngả, bỏ lại ba chị em Thơm cho ông bà nội già yếu. Cùng đường, bà nội Thơm vào TP.HCM bán vé số, còn ông ở nhà làm ruộng, làm thuê nuôi ba đứa cháu. Chị gái Thơm cũng phải bỏ học, làm lụng cùng ông bà nội nuôi hai em.
Ngoài học bổng, chương trình "Tiếp sức đến trường" còn tặng hai bạn mỗi người một chiếc máy tính xách tay. Hai tân sinh viên mồ côi khác là Lê Ngọc Trí (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và Bùi Xuân Thịnh (Trường CĐ Công Thương miền Trung) cũng được tặng hai máy tính xách tay.
"Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động. Khoản học bổng 15 triệu đồng với tôi là số tiền lớn, tôi sẽ dành một phần cho mẹ mua thuốc trị bệnh, còn lại đóng học phí và trang trải việc học. Cái laptop là món quà vô cùng quý giá, vì cái máy cậu cho tôi từ khi học lớp 7 giờ lúc chạy lúc không. Tôi biết ơn vô cùng sự giúp đỡ này", Lê Ngọc Trí - tân sinh viên không cha, mẹ bệnh tật không làm việc được - tâm sự tại buổi lễ.
Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu (phải) và Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (trái) trao học bổng cho tân sinh viên Phú Yên - Ảnh: LÂM THIÊN
Tiếp thêm động lực đến trường
Ngồi nép mình trong góc hội trường, bạn Phạm Ngọc Trang - tân sinh viên trường Cao đẳng Công thương TP.HCM - ngại ngùng lên nhận học bổng,
Ba mẹ Trang ly hôn từ lúc Trang chỉ mới lên 9 tuổi, Trang phải sống với mẹ, chưa được bao lâu thì mẹ lại mất năm em lớp 6, từ đó Trang phải sống với dì. Những biến cố liên tục ập đến trong cuộc đời khiến cô bé nhỏ nhắn với nụ cười hiền hậu xém chút phải dừng lại những ước mơ, hoài bão của chính mình.
"Sau khi nhận được học bổng, em sẽ trang trải cho học phí, còn lại em sẽ gửi cho dì. Em sống cuộc sống không cha mẹ từ nhỏ, dì là người đã nuôi nấng và dạy bảo em nên người, nên em sẽ dành học bổng này để giúp dì trang trải thêm cho cuộc sống", Trang nói với đôi mắt rưng rưng ngấn lệ.
Vượt hơn 70km từ huyện Sơn Hòa ( Phú Yên) đến buổi lễ, anh Hving Y Toal (38 tuổi) có con gái là tân sinh viên được nhận học bổng, cho biết rất vui mừng khi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
"Tôi mong rằng sau khi nhận được học bổng, con gái tôi sẽ có thêm những động lực cho quá trình học tập sau này. Trước đây điều kiện không đầy đủ, tôi tưởng là sẽ không đủ lo cho nó, bây giờ khi con nhận được suất bổng này, tôi sẽ bớt đi những nỗi lo mà cho con gái tiếp tục ăn học", anh Y Toal nói.
Lan tỏa niềm vui
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung bày tỏ niềm vui được nhân đôi tại chương trình này vì cùng lúc dự hai sự kiện nhân văn, nghĩa tình. Ông Trung nói 20 mùa "Tiếp sức đến trường" gắn liền 20 mùa tuyển sinh mà mỗi năm, số lượng và giá trị học bổng càng tăng lên. Đó là vì nghị lực vượt khó, học giỏi, ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh của các tân sinh viên đã lay động tình cảm, tấm lòng của biết bao bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
"Nghị lực của các bạn trẻ trở thành động lực để chúng tôi duy trì, phát triển chương trình "Vì ngày mai phát triển", đặc biệt là học bổng "Tiếp sức đến trường" cùng những chương trình hoạt động xã hội khác vì cộng đồng như chương trình xóa 1.000 căn nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách ở Phú Yên. Mong niềm vui này lan tỏa đến với mọi người" - ông Trung phát biểu.
Ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, người khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên - nói rằng ông rất cảm động khi đọc bài báo trên Tuổi Trẻ về hai tân sinh viên Hồ Thị Bích Trâm và Bùi Xuân Thịnh khi đều mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn nỗ lực hết sức để học tập tốt và vào đại học, cao đẳng.
"Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã mang đến cho các sinh viên sự động viên, tiếp sức rất ý nghĩa. Nhưng cũng các bạn sinh viên đã mang đến niềm vui cho doanh nghiệp, nhà hảo tâm vì chính nỗ lực vượt khó của các bạn là sự tin tưởng, kỳ vọng cho các doanh nghiệp" - ông Học nói.
Ngôi nhà mới, mái ấm mới
Đại diện các hộ dân được nhận phần hỗ trợ xóa nhà tạm - Ảnh: HOÀI BÃO
Chị Nguyễn Thị Thu Sương (54 tuổi), là đại diện của một trong năm hộ dân nhận phần hỗ trợ xóa nhà tạm. Trong căn nhà tạm bợ của bà ngoại để lại, chị Sương là lao động chính nuôi mẹ già và đứa con bị tâm thần. Chị cho biết sẽ cố gắng vượt khó, vươn lên thoát nghèo khi căn nhà được xây lên.
"Từ nay mẹ già, con điên sẽ không phải sống trong ngôi nhà tạm bợ nữa. Chúng tôi sẽ có chỗ che nắng che mưa đường hoàng, không còn phải khó khăn như lúc xưa nữa", chị Sương bộc bạch.
Như những hộ dân khác sẽ được xóa nhà tạm trong nay mai, chị Sương lại sẽ có một mái ấm mới, một nơi tạo dựng cho hạnh phúc, là chỗ nương tựa cho cuộc sống mưu sinh đầy gian khó.
Đối với các bạn tân sinh viên cũng như những bà con nghèo, những suất học bổng, những căn nhà mới được xây lên không chỉ là sự hỗ trợ nhất thời, còn là một món quà cho động lực của những sự vượt khó, vươn lên chính mình.
Phát động xóa 1.000 nhà tạm, nhận hưởng ứng 1.500 căn
Tỉnh Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên và báo Tuổi Trẻ phát động phong trào "Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách". Ông Nguyễn Thái Học nói khi Phú Yên thông tin còn 1.121 căn nhà tạm, mọi người cố gắng kêu gọi triển khai đến năm 2025, mong muốn mỗi năm làm 300 - 400 căn nhưng nhờ lãnh đạo tỉnh vào cuộc mạnh mẽ, sự đồng hành của Tuổi Trẻ nên kết quả đến buổi phát động, tiếp nhận hôm nay vượt ngoài mong đợi.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn thông tin đến nay đã tiếp nhận cam kết từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đóng góp tổng số tiền, hiện vật 75 tỉ đồng, tương đương với 1.500 căn nhà.
"Đây là tình thương yêu đùm bọc, mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta. Và mong mỗi hộ nghèo, người nghèo trong tỉnh luôn nỗ lực để cùng với sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng vươn lên thoát nghèo bền vững" - ông Tuấn nói.
Ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Ông Lê Tiến Châu - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam - đánh giá chương trình trao học bổng và phát động xóa 1.000 nhà tạm vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa có ý nghĩa chính trị lớn đối với Phú Yên. Chương trình có sự lan tỏa rất lớn qua sự thành công của 20 mùa "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ.
Với Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên, ông Châu nói dù mới ra đời hai năm nhưng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của rất nhiều người, đặc biệt sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm không chỉ là người Phú Yên mà là doanh nghiệp thành đạt nơi khác vẫn yêu mến và hướng về mảnh đất này.
TTO - Chiều 3-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tổ chức phát động, tiếp nhận ủng hộ chương trình xóa 1.000 căn nhà tạm và trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên khó khăn của Phú Yên.
Xem thêm: mth.65654032230212202-iom-ahn-iogn-gnuc-iuv-mein-iod-nahn-gnourt-ned-cus-peit-gnob-coh/nv.ertiout