Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra thực tế tại hai dự án cao tốc phía Nam vào cuối tháng 11 vừa qua.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dù công tác triển khai thực hiện dự án bám sát các mốc thời gian yêu cầu. Tuy nhiên, giữa các dự án thành phần còn chưa có sự thống nhất chung, trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều, thời gian yêu cầu gấp.
Để đảm bảo tính đồng bộ giữa các dự án, ông đề nghị các chủ đầu tư, sở, ban, ngành của địa phương và cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Từ đó, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: PLO.VN |
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẩn trương có hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để chỉ đạo tư vấn thiết kế về các nội dung kỹ thuật. Cụ thể ở đây là định hướng thiết kế (giải pháp kỹ thuật, khảo sát nguồn vật liệu cát đắp, trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS) và các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
UBND các tỉnh, thành được giao chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần, đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt dự án đầu tư.
Về nguồn vốn, ông Lâm cho rằng do dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, cần phải xác định cụ thể từng nguồn vốn cho từng dự án, từng địa phương. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có thủ tục giao vốn cho dự án. Đồng thời cần có quyết định phê duyệt dự án đầu tư làm cơ sở giao kế hoạch năm cho các dự án thành phần.
Về tổng mức đầu tư các dự án thành phần, ông giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì làm việc với các chủ đầu tư các dự án thành phần, rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án. Sau đó, báo cáo Bộ GTVT để xem xét, có phương án cân đối nguồn vốn giữa các dự án thành phần.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, Thứ trưởng giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì làm việc với các chủ đầu tư các dự án thành phần để rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần. Cạnh đó, phối hợp Cục Quản lý đầu tư xây dựng báo cáo Bộ GTVT về phương án xử lý và thẩm quyền giải quyết, trong đó làm rõ trách nhiệm của tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là hai tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hai tuyến được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2023-2025 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các tuyến này khi hoàn thành sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, đặc biệt là quốc lộ 91 đang quá tải... Công trình còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km, tổng vốn đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng. Dự án chia thành bốn dự án thành phần và giao cho bốn tỉnh làm chủ đầu tư gồm: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, với tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỉ đồng. Dự án đang được giao địa phương làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Bộ GTVT thống nhất thiết kế đường gom cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
(PLO)- Bộ GTVT yêu cầu thiết kế đường gom kết nối khu đông dân cư, phải xem xét quy mô lưu thông hai làn xe cơ giới.