Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Columbia - Ảnh: XINHUA
Nhân vật Zang của nhà báo
Đó là một đêm se lạnh tháng 4-2020 tại quận Cam, California. Đồng hồ chỉ 3h20 sáng và Zang bị mất ngủ kể từ khi bang ban hành lệnh ở nhà vào ngày 19-3 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Chàng trai Trung Quốc 22 tuổi, đến Mỹ năm 2016 để học cử nhân và chỉ còn một tháng nữa là tốt nghiệp. Nhưng một quyết định lớn khác xuất hiện: cha mẹ muốn anh ở lại và lấy bằng cao học.
Với điểm trung bình (GPA) 2,5, việc vào được một chương trình cao học Mỹ với Zang dường như không dễ.
Vẫn còn tỉnh táo để lướt WeChat, đập vào mắt Zang là bài đăng của các chuyên gia tư vấn giáo dục. Họ đang rao bán thứ mà Zang đọc bằng tiếng Trung là "bǎolùqǔ", nghĩa là "đảm bảo được chấp nhận vào học".
Zang nhanh chóng liên hệ với nhà tư vấn. Cô ấy nói với Zang với điểm trung bình 2,5, để được học thạc sĩ khoa học công nghệ anh phải tốn 43.000 - 45.000 USD phí dịch vụ.
Trong vòng hai tháng, nhà tư vấn đã lo liệu mọi thứ. Và ngày 17-7-2020, Zang đã nhận thư chấp nhận được vào học.
Hiện tại, trước khi tốt nghiệp cao học, Zang đã nhận được lời mời làm việc lương cao tại một công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc. Chỉ 1 năm lương cao đủ cho anh lấy lại vốn nộp cho "bǎolùqǔ".
Những "con bò sữa"
Công dân Trung Quốc là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ, chiếm 35% tổng số.
Theo Hiệp hội Các nhà giáo dục quốc tế, sinh viên nước ngoài phải trả học phí cao gấp đôi so với sinh viên bản địa ở Mỹ. Trong năm học 2021, sinh viên quốc tế đã đóng góp 28,4 tỉ USD và tạo thêm 306.308 việc làm cho kinh tế Mỹ.
Ông Joshua Mok Ka-ho, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, cho biết một số đại học trên thế giới rất muốn có thêm sinh viên Trung Quốc vì họ là những "con bò sữa".
Cũng theo điều tra năm 2022 về việc làm của những người trở về nước của Zhaopin.com - nhà dịch vụ tuyển dụng của Trung Quốc, mức lương khởi điểm trung bình ở quê nhà của người Trung Quốc học tại Mỹ là 1.929 USD/tháng, cao hơn 46,5% so với sinh viên tốt nghiệp trong nước.
Để ứng tuyển tại Tập đoàn Huawei Technologies, ứng viên có bằng cấp nước ngoài được ưu tiên hơn so với "sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc".
Mặt khác, khả năng vào đại học của học sinh tại Trung Quốc khá gắt gao trong kỳ tuyển sinh đại học gọi là gaokao.
Vào tháng 8-2021, tạp chí Fortune đưa tin "Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh - hai trường hàng đầu Trung Quốc - mỗi trường có tỉ lệ chấp nhận khoảng 1%. Nhưng con số đó chỉ còn khoảng 0,1% đối với ứng viên không có hộ khẩu hoặc địa chỉ Bắc Kinh".
"Bǎolùqǔ" như nấm sau mưa
Trong những năm gần đây, các công ty tư vấn giáo dục "bǎolùqǔ" mọc lên như nấm để phục vụ người Trung Quốc giàu có.
Họ tuyên bố có mối quan hệ với các trưởng khoa đại học, hoặc ít nhất có quan hệ với nhân viên tuyển sinh sẵn sàng nhận hối lộ.
Không chỉ rao hàng trên WeChat, các "bǎolùqǔ" còn có mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội, từ Twitter đến Instagram và Zhihu - một nền tảng Hỏi & Đáp của Trung Quốc, với hơn 100 triệu người dùng/tháng.
Với "bǎolùqǔ", các chuyên gia tư vấn đặt giá dựa trên điểm trung bình: tỉ lệ điểm càng thấp, giá dịch vụ càng cao.
Năm 2020, Hiu Kit David Chong, nhân viên tuyển sinh của Đại học Nam California (USC), thừa nhận với Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận hối lộ từ ba sinh viên Trung Quốc.
FBI đã gài bẫy bắt quả tang Chong. Tại Tòa án Quận trung tâm California, Chong đã nhận tội lừa đảo, nộp phạt 40.000 USD và 9 tháng quản thúc tại gia.
Ngày 19-10-2022, Tòa án Mỹ cũng phán quyết Công ty Diguojiaoyu phải trả cho 2 sinh viên Jin Ruili và Yu Shanchun mỗi người 45.000 USD vì lừa đảo.
Hai sinh viên này tốt nghiệp đại học Boston và Columbia, khi lên cao học họ nhờ Diguojiaoyu làm dịch vụ. Công ty này làm giả bảng điểm, khi trường phát hiện họ bị đuổi học.
Tổng Kiểm toán bang NSW Margaret Crawford cho hay có tới 7 trong số 10 trường đại học hiện ghi nhận Trung Quốc là nguồn thu hàng đầu về sinh viên nước ngoài.