Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tham gia chơi các môn cần vận động mạnh - Ảnh: P.N.
Đã có trường hợp tử vong ngay sau khi tham gia tập thể thao hay các giải chạy bộ. Mới nhất là trường hợp học sinh lớp 12 Trường THPT Phù Cát 3 (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tử vong trong lúc thi chạy 200m do nhà trường tổ chức mới đây.
Nguy cơ từ đâu?
Cuối tháng 8 vừa qua, một học sinh lớp 9 Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng không qua khỏi sau khi tham gia giải chạy cự ly 3.000m tại địa phương. Theo những người tham gia, học sinh này có biểu hiện mệt mỏi và dừng nghỉ trên đường chạy khi chạy được 150m.
Theo bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - chủ tịch Liên chi hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, thể dục thể thao học đường rất tốt cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ, tạo sự hài hòa giữa học tập và vui chơi, cũng như sự gắn kết và giúp trẻ tự tin hơn.
Dù thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất lợi nếu vận động gắng sức, không phù hợp với thể trạng sức khỏe của người tập. Đặc biệt tỉ lệ rủi ro này tăng cao hơn đối với trẻ vì những lý do thể chất, tâm lý và những bệnh lý tiềm ẩn (nếu có) của trẻ.
"Chấn thương hay gặp nhất ở trẻ em chơi thể thao là cơ xương khớp, vì các cơ quan của trẻ lúc này chưa được phát triển hoàn thiện, nhất là xương khớp.
Trẻ ở độ tuổi này thường có tâm lý háo thắng, muốn tập luyện ngay lập tức mà bỏ qua bước quan trọng là khởi động trước khi tập. Bên cạnh đó, trước áp lực thắng thua, trẻ dễ dẫn đến hành động quá khích, gây chấn thương cho chính mình và bạn bè" - bác sĩ Đổng nói.
"Cơ thể cần phải làm nóng, khởi động kỹ trước khi tập, đặc biệt đối với bộ môn thể thao có thời gian tập luyện kéo dài, đòi hỏi thể lực cao", ông Đổng nhấn mạnh.
Nguy cơ rất nguy hiểm nữa là trẻ mắc các bệnh lý tiềm ẩn như thấp khớp tim, thận mãn tính, viêm cầu thận - hội chứng thận hư, dị dạng mạch máu. Trẻ mắc bệnh lý này thường có những biểu hiện như mau mệt, thở dốc, hay than nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt lả, tức ngực, đau nhức tay chân...
Khi trẻ có những biểu hiện này phải ngưng tập và đưa đi khám chuyên khoa sâu để đánh giá tình trạng sức khỏe trẻ, từ đó đưa ra bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng trẻ.
Thế nhưng có nhiều trẻ e ngại nói tình trạng sức khỏe của mình để tiếp tục được tập luyện cùng bạn bè, giáo viên thể dục cần quan sát, chú ý những biểu hiện của học trò, đồng thời giải thích, động viên khi sức khỏe gặp vấn đề gì bất thường thì phải báo cho thầy cô, người chăm sóc.
Với những trẻ bị tật dáng đi, vẹo cột sống, gù, yếu liệt chân tay..., giáo viên thể dục quan tâm nhiều hơn, trẻ cần được tư vấn bài, cường độ tập phù hợp với thể trạng.
Mất cân bằng cơ, hình thể, lệch vẹo khớp...
Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh - trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A, người chơi các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh như các môn tennis, đá banh, chạy bộ... nếu không biết cách tập cân bằng hệ cơ, sẽ càng gây mất cân bằng cơ bắp.
Lý do là chơi các môn thể thao sẽ có một nhóm cơ thường xuyên vận động mạnh và liên tục so với các nhóm cơ còn lại, gây nên tình trạng mất cân bằng cơ, mất cân đối hình thể, lệch vẹo khớp và đau khớp.
Khi vận động mạnh hay thay đổi động tác một cách đột ngột, các khớp có khuynh hướng trượt về bên nhóm cơ yếu, gây ra các hiện tượng trật khớp, đứt dây chằng.
Một trong các chấn thương phổ biến nhất ở các vận động viên là chấn thương dây chằng chéo trước, gặp nhiều ở nữ giới.
Các chấn thương thể thao khác như đầu gối đau khi chạy bộ, hội chứng chè đùi... xảy ra do mất cân bằng trong các cơ hỗ trợ và giúp khớp gối di chuyển. Còn tay bị đau liên quan nhiều đến các chấn thương thể thao của người chơi tennis hay đánh golf.
Không chỉ chơi thể thao mới có thể bị mất cân bằng cơ bắp mà một người làm công việc ngồi nhiều ở tư thế không đúng cũng gây mất cân bằng cơ bắp, lúc đó chơi những môn thể thao không phù hợp càng dễ gây ra chấn thương.
Nếu được tư vấn trước khi tham gia chơi thể thao để điều chỉnh và chọn môn phù hợp. Những người đang chơi thể thao cũng nên đi khám định kỳ để phát hiện và tái lập sự cân bằng cho hệ cơ bắp, hạn chế các lệch vẹo dẫn đến đau cơ xương khớp hay chấn thương thể thao.
Ba lý do đột tử khi chạy bộ và cách phòng tránh
Vì sao một học sinh trẻ, khỏe, nằm trong đội năng khiếu thể dục thể thao lại bị đột tử khi chạy bộ? Cách nào để phòng tránh rủi ro này?
Có ba lý do đột tử khi chạy bộ:
1. Bệnh tim
Khi ai đó đột ngột qua đời trong một sự kiện thể thao, đặc biệt người ở độ tuổi dưới 30, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tim. Trong đó có bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại. Đây là một bất thường di truyền của các protein tạo ra các tế bào cơ tim. Tim trở nên dày bất thường ở một vùng và khi tim bơm máu, nó gặp khó khăn khi đẩy máu qua điểm dày đó. Rối loạn tim này bắt đầu biểu hiện vào thời gian dậy thì ở trẻ trai và trẻ gái.
Các nghiên cứu phát hiện rằng khi chạy bộ, cơ tim không đủ máu nuôi vì mạch máu bị kẹt lại vùng cơ tim dày, khiến cơ tim bị thiếu máu và tổn thương dẫn đến nhồi máu cơ tim. Ngoài ra còn có các bệnh lý về tim chưa được chẩn đoán hoặc tiềm ẩn.
2. Thời tiết
Sự khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm khiến cơ thể dễ bị rối loạn thần kinh và rối loạn điện giải. Thời tiết lạnh làm các động mạch bị co thắt bất thường, huyết áp tăng đột ngột, vận động viên có thể bị tai biến đứt mạch máu não. Vận động quá lâu trong thời tiết quá nóng sẽ khiến cơ thể bị mất nước và muối, trong đó có canxi và kali, có vai trò then chốt với hoạt động của tế bào thần kinh và cơ bắp, đặc biệt là tế bào cơ tim. Hạ kali, tim đập nhanh, hạ huyết áp, yếu liệt, co giật và nặng sẽ tử vong. Nhiệt độ và độ ẩm từ lâu đã là những kẻ giết người thầm lặng không chỉ ở vận động viên mà còn xảy ra cho tất cả mọi người.
3. Do tích tụ axit lactic trong quá trình chạy
Thường xảy ra ở giai đoạn gần về đích. Trong quá trình vận động, chúng ta phải tăng nhịp thở để cung cấp đủ oxy đến cơ bắp. Nếu chúng ta vận động liên tục, cơ thể sẽ không đủ oxy để cơ bắp hoạt động. Do thiếu oxy, cơ bắp sẽ sử dụng glucose dự trữ từ các tế bào để cung cấp năng lượng, nhưng con đường sử dụng năng lượng không có oxy này sẽ tạo ra các sản phẩm thoái hóa không tốt, đó chính là axit lactic. Axit lactic tích tụ càng nhiều sẽ gây ra cảm giác nóng rát, nhức mỏi cơ, co rút cơ, vọp bẻ. Axit lactic còn ức chế thần kinh tim, nó làm cho nhịp tim chậm lại và có thể gây ngưng tim.
Ngăn ngừa đột tử trong khi chạy bộ bằng cách nào?
Lắng nghe cơ thể của mình: Nếu thỉnh thoảng đau ngực, khó thở, chóng mặt, nóng rát, khó chịu ở phần trên của ngực thì nên ngừng tập luyện, ngừng cuộc đua, không được cố gắng quá sức mà phải đi kiểm tra sức khỏe ngay.
Tìm hiểu tiền sử sức khỏe gia đình của mình: Nếu biết bất kỳ trường hợp đột tử do tim trong gia đình, hãy cho bác sĩ biết và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Trước khi hoạt động thể dục thể thao phải khởi động thật kỹ.
Ăn uống đầy đủ, tránh mất nước, điện giải trong quá trình tập luyện và thi đấu.
BS Nguyễn Thành Úc
TTO - Mới đây, thông tin một học sinh của Trường THPT Phù Cát 3 (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã tử vong trong lúc thi chạy 200m do nhà trường tổ chức làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Xem thêm: mth.75580013250212202-iohc-uhn-gnam-tam-hcac-gnud-gnohk-oaht-eht-neyul-pat/nv.ertiout