Mới đây, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã xác định được bánh lười - bánh Lazy Cakes thực chất là một loại ma túy được chế dưới dạng bánh ngọt.
Các chiêu thức "ngụy trang" của ma túy
Nguyên liệu để làm bánh là cần sa chiết xuất thành dung dịch. Sau đó hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, sôcôla… sau đó đem nướng, hấp thành bánh và đóng gói. Giá bán khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bánh.
Loại ma tuý núp bóng dưới dạng bánh ngọt này đã được du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm nay. Gần đây được các đối tượng đẩy mạnh mua bán hơn, người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.
Khi sử dụng, ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác hưng phấn, ảo giác, dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ và... cười. Nặng hơn có thể gây suy hô hấp tạm thời, khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.
Mới đây, vào ngày 5-12, tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đang điều trị cho bệnh nhân PTC (nữ, 56 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô nghi có tẩm cần sa. Bỏng ngô được con bệnh nhân đặt mua trên mạng.
Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà chúng còn được trà trộn vào các đồ ăn, thức uống. |
Một tiếng sau ăn, bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào BV trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên.
Trước đó, tháng 11-2022, một loạt các đơn vị chức năng thuộc Công an TP.HCM cũng phát đi cảnh báo nguy hiểm về các loại ma túy trộn trong đồ uống và thực phẩm sau khi phát hiện vụ mua bán trái phép loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói nylon có dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, còn gọi là nước xoài, bên trong chứa bột màu vàng. Loại bột này pha vào nước để uống sẽ tạo ảo giác, nâng cao khả năng sinh lý, mục đích nhắm vào giới trẻ…
Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện
TS-BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai thông tin, hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.
Trước đó, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào... “Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hàng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện.
Lý do là các loại ma túy đó được đưa vào thuốc lá điện tử chưa bị cấm, các đồ ăn thức uống và ở các tụ điểm giải trí. Việc quản lý mua bán online chưa đạt cũng khiến việc phát tán rất nhanh chóng” - BS Nguyên nói.
BSCK I Triệu Đức Đường, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đa khoa Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) khuyến cáo, các sản phẩm có chứa chất gây nghiện, tiền chất ma túy, các loại cỏ sẽ gây ra tình trạng rối loạn, ảo giác, kích thích… nếu sử dụng nhiều có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, khó hồi phục.
Ma túy được pha trộn đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Cạnh đó, nhiều loại ma túy cũng núp dưới nhiều hình thức khác như nước biển chứa chất ma túy GHB, nước xoài “Crispy Fruit” có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam.
Cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng, tuy nhiên hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được các kẻ xấu thay đổi và tạo mới hàng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp). Các phòng xét nghiệm hiện đại của đất nước còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện, nhà nước còn chưa kịp đưa vào danh sách cấm thì đã có chất mới xuất hiện thêm.
BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai