UAE trưng bày các mảnh vỡ UAV Ababil do Iran sản xuất được phiến quân Houthi ở Yemen sử dụng - Ảnh: AFP-JIJI
Ước tính thị trường UAV quân sự sẽ tăng từ 11,73 tỉ USD năm 2022 lên 30,86 tỉ USD vào năm 2029.
"Trùm" UAV Thổ Nhĩ Kỳ và Iran
Khi chị Peyman Talib (31 tuổi) tỉnh dậy trong bệnh viện ở Sulaymaniyah (miền bắc Iraq), chân trái đã bị cưa cụt và cánh tay bị bỏng nặng. Đứa con trai 5 tuổi bị mảnh đạn găm vào đầu còn chồng chị Keywan Kawa (30 tuổi) bị thương ở chân và thân người. Chị đang ở trong cửa hàng gia đình thì nghe một tiếng nổ lớn kèm theo lửa cháy dữ dội.
Vụ tấn công xảy ra khoảng 5h30 chiều 25-6-2020 tại làng Kunamasi, một địa điểm du lịch nổi tiếng trên vùng núi phía bắc Iraq. Ngay khi một chỉ huy cấp cao của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bước vào cửa hàng, UAV Thổ Nhĩ Kỳ đang bay trên trời liền khai hỏa thanh toán mục tiêu. Ba phiến quân PKK đứng đợi bên ngoài bị thương cùng với gia đình chị Talib, một du khách Iran và một dân làng gần đó.
Từ năm 2018, núi non không còn bảo vệ PKK như trước bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV trang bị máy ghi hình có độ phân giải cao và tên lửa chính xác. Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ngồi sau màn hình cách xa mặt trận có thể phát hiện mục tiêu và nhấn nút khai hỏa mà không gặp bất kỳ rủi ro nào.
Theo nhà phân tích Engin Yüksel tại Viện nghiên cứu Clingendael (Hà Lan), cho đến năm 2015, chỉ có Mỹ, Anh và Israel tấn công bằng UAV vũ trang, sau đó số quốc gia sử dụng UAV vũ trang tăng vọt. Đáng chú ý Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy như một siêu cường UAV. Năm 1996, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mua UAV không vũ trang của Mỹ để theo dõi PKK.
10 năm sau, nước này tiếp tục mua 10 UAV không vũ trang của Israel. Khổ nỗi phải mất năm năm Israel mới giao hàng, UAV lại hoạt động không tốt và phải có chuyên viên Israel điều khiển trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại hình ảnh thu thập được có thể bị chuyển cho cơ quan tình báo Israel.
Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, năm 2010 và năm 2012, Quốc hội Mỹ lại không bán UAV vũ trang cho Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ nước này chống Israel. Thế là Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tự sản xuất UAV. Cuối năm 2015, UAV trang bị tên lửa dẫn đường Bayraktar TB2 được thử nghiệm thành công. Chỉ trong 10 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ nhà nhập khẩu UAV trở thành nước xuất khẩu UAV vũ trang tầm cỡ. Các nhà công nghiệp nước này đã phát triển khoảng 130 mẫu UAV, trong đó TB2 là loại ăn khách nhất.
Không ai có thể đoán 38 năm sau khi bắt đầu phát triển UAV nội địa, Iran đã sở hữu kho vũ khí UAV lớn và đã xuất khẩu UAV cho nhiều nước. Năm 1984, tức bốn năm sau khi bắt đầu chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Iran không còn phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu do lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) quyết định chế tạo loại UAV đơn giản và rẻ tiền để chụp ảnh tiền tuyến song song với chế tạo tàu cao tốc tấn công tự sát và tên lửa hành trình.
UAV đầu tiên của Iran chỉ làm nhiệm vụ trinh sát, sau đó đến UAV trinh sát và đánh bom tự sát. Sau các thế hệ Talash và Mohajer đến Ababil 3 (bán cho Syria), Shahed 136 (được Nga sử dụng ở Ukraine). Trong cuộc diễn tập vào tháng 9-2022, Iran đã thử nghiệm UAV Arash 2 nhỉnh hơn về công nghệ so với Shahed 136. Gần đây, IRGC đã tiết lộ thế hệ UAV tấn công tự sát mới Meraaj 521 có thể được phóng đi từ ba lô mang trên lưng.
Hơn 100 quốc gia và tác nhân phi chính phủ trên thế giới đang sử dụng UAV trang bị vũ khí công nghệ cao.
Ông SYED ALI ABBAS
Bình minh của kỷ nguyên UAV ở Trung Đông
Trong cuộc cách mạng UAV quân sự, các tác nhân phi nhà nước đã trở thành người thụ hưởng chính. Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen đều sử dụng UAV của Iran.
Nhà nghiên cứu Mohammed Soliman - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và công nghệ mới nổi (Mỹ) - đánh giá Trung Đông đang chứng kiến bình minh của kỷ nguyên UAV. Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) ở Ý ước tính các cường quốc Trung Đông (không bao gồm Israel) đã chi ít nhất 1,5 tỉ USD cho UAV quân sự trong năm năm qua. UAV là vũ khí xuất hiện gần đây nhất trên chiến trường Trung Đông.
Cuộc cạnh tranh về UAV ở Trung Đông chẳng khác gì cuộc chạy đua tên lửa đạn đạo trong thập niên 1960. Trong những năm 1960 và 1970, các nước Ả Rập coi vũ khí đạn đạo là cách đối phó sức mạnh không quân vượt trội của Israel. Còn hiện nay, các chế độ quân chủ vùng Vịnh như Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xem UAV là vũ khí hiệu quả để giải quyết tình trạng quân số ít.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sản xuất UAV với chi phí thấp, các nước Ả Rập như Ai Cập, Saudi Arabia và UAE đã nhanh chóng hợp tác với nước ngoài phát triển UAV nội địa riêng. UAV còn giúp các nước Trung Đông can thiệp ngoài biên giới thường xuyên hơn. Israel sử dụng UAV để thu thập tin tình báo và tấn công có mục tiêu ở dải Gaza và Lebanon. Dù UAV không thể thay thế hoàn toàn không quân hoặc lực lượng đặc nhiệm nhưng UAV đã trở thành lựa chọn ưa thích trong các tình huống phức tạp hoặc nguy hiểm.
TS Jean-Loup Samaan - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nhận xét dù là nước nhập khẩu hay tự chế tạo UAV, UAV đã trở thành vũ khí cần thiết. Về quân sự, UAV hỗ trợ đắc lực cho các loại vũ khí thông thường. UAV được xem là "không quân chi phí thấp" giúp bắt kịp đối thủ về vật chất và nhân lực.
Tuy nhiên, ông nhận định dù hoạt động mua bán và sử dụng UAV nhộn nhịp ở Trung Đông nhưng hiện tại UAV chưa thể tạo thay đổi cơ bản nào về học thuyết hoặc về tổ chức trong hệ thống quân đội các nước trong khu vực. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước đi đầu về UAV nhưng quân đội vẫn không loại bỏ hoặc cắt giảm không quân.
UAV trong chiến tranh Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã từng sử dụng UAV ở Việt Nam và các nước lân cận để tìm kiếm mục tiêu cho máy bay ném bom, gây nhiễu radar và rải truyền đơn. Trong cuốn sách Drone war: Vietnam xuất bản giữa tháng 9-2021 tại Mỹ (NXB Naval Institute Press), tác giả người Mỹ David Axe đã viết như trên dựa trên hồ sơ quân sự, lịch sử chính thức và chuyện kể từ các chuyên viên điều khiển UAV.
Máy bay DC - 130 có thể mang 4 UAV dưới cánh trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Weapons and warfare
UAV cận âm Ryan Aeronautical Model 147 Lightning Bug được phóng đi từ máy bay mẹ DC-130 bay dọc theo các tọa độ đã xác định để chụp ảnh. Sau khi xong nhiệm vụ, UAV bung dù rơi xuống đất và máy bay trực thăng sẽ bay đến thu hồi.
Theo David Axe, loại UAV Model 147 ban đầu thô sơ và dễ bị mạng lưới phòng không tiêu diệt. Năm 1967, miền Bắc Việt Nam bắt đầu chặn tín hiệu vô tuyến của người điều khiển UAV và khai thác tin tình báo thu được để phục kích trên không đánh UAV và máy bay có người lái.
Do tổn thất gia tăng, không quân và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ phải đổi hệ thống mã hóa vô tuyến mới cho máy bay mẹ. Từ năm 1964-1975, Mỹ đã điều khiển 1.106 UAV Model 147 thực hiện 3.435 phi vụ ở Đông Nam Á. Hầu hết UAV bị bắn hạ hoặc bị rơi.
TTO - Ngày 5-12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai căn cứ không quân nằm sâu trong đất liền, cách xa biên giới của Nga vừa bị các máy bay không người lái tấn công. Nga cáo buộc vụ tấn công do Ukraine thực hiện.
Xem thêm: mth.28225523250212202-gnod-gnurt-o-hnaoh-gnut-vau-4-yk-gnohk-nert-ut-uht-tas-am-gnob-vau/nv.ertiout