Khoảng 240.000 tỷ đồng là số dư tiền dự kiến tăng thêm cho nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc nới hạn mức được xác định trên nguyên tắc các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngay sau khi được phân bổ thêm hạn mức, các ngân hàng đã có kế hoạch giải ngân
"Ngay sau khi được nới room tín dụng, ngân hàng đã thực hiện rà soát và phân bổ hạn mức tín dụng được tăng thêm vào các lĩnh vực, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu", bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình, cho biết.
Theo các chuyên gia, việc nới room tín dụng là động thái tích cực cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi đã có kế hoạch phân bổ hạn mức tín dụng được tăng thêm khoảng hơn 3.000 tỷ cho các phòng giao dịch trên địa bàn các huyện của ngân hàng để hỗ trợ cho người dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động nông nghiệp, nông thôn dịp cuối năm", bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, thông tin.
Cùng với việc được nới room tín dụng, đã có 6 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Như ngân hàng Agribank, giảm 20% trên mức lãi suất đang cho vay, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng.
"Khách hàng không phải thực hiện bất kỳ hồ sơ nào, chi nhánh chủ động điều chỉnh giảm trên hệ thống kế toán của ngân hàng. Riêng đợt này dự kiến có 1.000 tỷ đồng được ngân hàng trích từ lợi nhuận hỗ trợ cho khách hàng", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Theo các chuyên gia, việc nới room tín dụng là động thái tích cực cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.
"Góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; góp phần giúp ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tạo đà tăng trưởng của những tháng cuối năm và trong năm tới", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá.
Cũng theo các chuyên gia, việc kiểm soát lạm phát tốt sẽ tạo ra dư địa cho tăng chỉ tiêu tín dụng cho cả năm sau.
Thị trường chứng khoán kỳ vọng từ tăng room tín dụng
Việc nới hạn mức tín dụng đã rất rõ là tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, việc này được nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản cải thiện trong dài hạn.
Nắm giữ cổ phiếu trong hơn 1 tuần qua, có những nhà đầu tư đã chốt lời. Tuy nhiên, có người lại coi đây là cơ hội.
"Tôi nghĩ trước thông tin nới room thì sẽ có dòng tiền vào. Nhịp chỉnh này sẽ là cơ hội có thể mua được cổ phiếu với mức giá rẻ", chị Nguyễn Mỹ Na, nhà đầu tư, chia sẻ.
Việc nới room tín dụng, không phải là để đưa vào thị trường chứng khoán. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, riêng ngân hàng Vietcombank còn rút khỏi lĩnh vực chứng khoán và bất động sản hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về dài hạn, được thị trường nhìn nhận là có tác động gián tiếp.
"Yếu tố thanh khoản được đảm bảo, thanh khoản ở đây là thanh khoản của hệ thống ngân hàng và thanh khoản của hệ thống kinh tế nói chung. Thanh khoản này phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp được ưu tiên. Tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ tích cực trong thời gian tới", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết, nhận định.
Trong 10 ngày trở lại đây, thanh khoản thị trường trung bình một phiên là 20.000 tỷ đồng, tức tăng hơn 50% so với trước.
Theo các chuyên gia, với thị trường chứng khoán, rõ ràng đây là thông tin tích cực trong ngắn hạn vì thị trường đã có những điều chỉnh tăng mạnh thời gian qua nên mức độ ảnh hưởng của nới hạn mức sẽ không quá lớn.
VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.67362720260212202-meht-gnat-gnud-nit-moor-nagn-iaig-hnam-yad-gnah-nagn/et-hnik/nv.vtv