Tạp chí JETIR dành toàn bộ trang chủ để mời chào đăng bài với cam kết bài sẽ được đăng chỉ trong vòng 1-2 ngày - Ảnh chụp màn hình
Cần đăng bài trên tạp chí quốc tế, ngày 20-11 vừa qua, một giảng viên đại học đã gửi email cho tổng biên tập tạp chí Journal of Law and Political Sciences (JLPS) ở Jordan với mong muốn đăng 27 bài báo gấp. Đây là hạng tạp chí ESCI là các tạp chí có chất lượng nhưng chưa đáp ứng đủ hết các tiêu chí để lọt vào danh sách ISI chính thức, không có chỉ số trích dẫn (IF - impact factor).
Đăng bài "siêu tốc"
Theo giảng viên này, vào thời điểm gửi email ông chưa có bài, thậm chí chưa có tựa đề bài báo, nhưng tổng biên tập JLPS đã hứa đăng ngay trong đầu tháng 12. Tạp chí này đã gửi một hợp đồng đăng bài với chi phí 5.400 USD, yêu cầu tác giả gửi bài trước ngày 28-11 để kịp đăng đầu tháng 12.
"Trên trang web chính thức của JLPS, phí đăng mỗi bài là 400 USD. Tuy nhiên, có lẽ tôi đăng nhiều bài nên được giảm giá còn 200 USD/bài. Như vậy, chi phí đăng mỗi bài 200 USD. Họ yêu cầu cuối tháng 11 gửi bài để đầu tháng 12 đăng" - ông này cho biết thêm.
Nếu xét về tốc độ đăng bài, nhiều tạp chí khoa học tại Ấn Độ dường như đạt tới mức siêu tốc. Bài có thể được xuất bản ngay trong ngày nếu tác giả gửi bài kèm phí đăng bài. Rất nhiều bài báo khoa học của tác giả người Việt Nam đã xuất hiện trên các tạp chí này. Điển hình trong số này là International Journal of Research Publication and Reviews (IJRPR).
Theo thông tin tự giới thiệu, đây là tạp chí trực tuyến quốc tế được bình duyệt, truy cập mở, có tác động cao, IF 5,536 (theo Google scholar). Mọi bản thảo được gửi tới IJRPR sẽ được đưa vào quy trình bình duyệt trong khoảng thời gian rất ngắn. Sau khi được xem xét và chấp nhận, bài báo sẽ được xuất bản trong vòng 24 giờ. Chi phí xuất bản mỗi bài báo là 14 USD đối với tác giả quốc tế.
Theo lý giải của IJRPR, vì là tạp chí truy cập mở nên tạp chí này tính phí danh nghĩa cho tác giả để trang trải chi phí xuất bản. Các khoản phí này bao gồm phí chỉnh sửa và bố cục, phí biên tập/đánh giá, lập chỉ mục, duy trì cơ sở hạ tầng của tạp chí.
Nhiều tạp chí khác của Ấn Độ cũng thu phí khá rẻ và xuất bản ngay trong ngày với bản online. Với bản giấy, bài cũng chỉ cần gửi trước ngày xuất bản 1-2 ngày. Thậm chí trang chủ các tạp chí này dành toàn bộ cho việc quảng cáo mời chào đăng bài.
Chẳng hạn Journal of Emerging Technologies and Innovative Research (JETIR), trang chủ đăng các thông tin mời chào đăng bài bao gồm quy trình, thời gian xuất bản và mức phí. Tạp chí này thu 55 USD mỗi bài với tác giả quốc tế. Thời gian xuất bản từ 1 đến 2 ngày qua các bước: nộp bài - bình duyệt - đóng phí - xuất bản. IF trang này được giới thiệu là 7,95.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Trả tiền để đăng bài là xu thế?
Theo phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học một trường đại học, việc thu phí xuất bản đang trở thành xu thế nhưng đăng bài phải trả phí và trả phí bài sẽ đăng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. "Tôi chấp chận trả 2.500 USD cho tạp chí lõi của ISI để đăng bài nhưng quy trình rất nghiêm ngặt và đó là tạp chí uy tín. Còn việc trả vài chục USD để đăng bài nhanh thì hẳn đó là tạp chí có chất lượng không tốt" - ông này nói thêm.
Mập mờ chất lượng
Theo nhiều tác giả, việc trả phí để đăng bài là điều bình thường trong bối cảnh các tạp chí xuất bản dưới hình thức truy cập mở (không thu phí người đọc). Điều quan trọng là các tạp chí đó được công nhận. Ông Nguyễn Trọng Hải (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) và một số giảng viên từ Trường ĐH FPT có một số bài đăng trên tạp chí thu phí 14 USD của Ấn Độ. Ông Hải cho biết đúng là ông có đóng phí cho tạp chí, nhưng điều ông chỉ quan tâm là tạp chí đó có trong danh mục được công nhận hay không.
"Có những năm họ được công nhận, có năm không được công nhận. Năm nào tạp chí không được công nhận thì tôi rút bài, không đăng. Nếu bài đúng chuyên ngành của tạp chí thì sẽ được duyệt đăng nhanh, bài không đúng ngành thì lâu hoặc bị trả lại" - ông Hải nói.
Tương tự, ông Nguyễn Bình An (Trường đại học Bình Dương) từng nằm trong danh sách biên tập viên của tạp chí JLPS. Ông An cho biết trường tổ chức hội thảo và có đăng hai số đặc biệt trên tạp chí này, dĩ nhiên trường phải trả tiền.
"Tuy nhiên, sau hai số này, tôi không còn là biên tập viên của tạp chí. Những bài báo trong hai số đặc biệt này đều được bình duyệt nghiêm túc. Tạp chí này đúng là chất lượng không cao nhưng nằm trong danh mục ISI, nên đó là tạp chí hợp pháp chứ không phải tạp chí phi pháp" - ông An cho biết.
Trong khi đó. TS Dương Tú (Đại học Purdue, Mỹ) cho biết đúng là tạp chí JLPS nằm trong danh mục ESCI nhưng lại khai man IF. Chỉ những tạp chí nằm trong SSCI và SCIE mới có IF, còn các tạp chí thuộc ESCI và AHCI thì không. Các tác giả phải nộp bản thảo qua một địa chỉ yahoo, chứ tạp chí không có hệ thống nộp bài. Tất cả các địa chỉ liên lạc, kể cả email của "tổng biên tập", đều dùng yahoo. Các bài báo của tạp chí không lưu trữ trên website hay máy chủ tạp chí mà lại lưu trên Google Drive. Rất nhiều lỗi chính tả ngớ ngẩn. Những dấu hiệu này là đủ để thấy đây là một tạp chí săn mồi điển hình.
Tương tự, phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học một trường đại học cho biết thực tế hiện nay để đăng một bài trên tạp chí ISI không phải dễ. Một phần vì tiếng Anh của nhà khoa học Việt Nam chưa tốt, phần vì cách tiếp cận vấn đề theo trường phái các nước Đông Âu trước đây. Quy định về danh mục tạp chí quốc tế vẫn còn lỏng lẻo nên nhiều người chọn đăng ở các tạp chí hợp pháp nhưng chất lượng trung bình, không phải tạp chí lõi của ISI.
Vài chục USD là bài đăng
Trên trang chủ của mình, các tạp chí công khai phí đăng bài. Ví dụ tạp chí IJARIIE thu phí 27 USD với tác giả quốc tế; International Journal of Advance Research and Innovative Ideas in Education thu phí 27 USD; IJSRED thu phí 40 USD; International Peer Reviewed & Refereed Journals thu phí 55 USD cho tác giả nước ngoài với thời gian đăng bài online 2-3 ngày.
TTO - Nhiều bài báo khoa học của một số tác giả ở Trường ĐH Tài chính - Marketing công bố trên các tạp chí quốc tế đã được trường khen thưởng.
Xem thêm: mth.69252623260212202-dsu-41-not-ihc-et-couq-coh-aohk-oab-iab-gnad/nv.ertiout