Áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu
VN-Index sụt gần 50 điểm với hàng loạt cổ phiếu lớn giảm mạnh, tuy nhiên lực cầu cao đã nâng đỡ giúp chỉ số kìm lại đà giảm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/12, VN-Index giảm 44,98 điểm, tương đương 4,11% xuống 1.048,69 điểm. Toàn sàn chỉ có 87 mã tăng, còn lại 391 mã giảm, 31 mã đứng giá. HNX-Index giảm 7,16 điểm, tương đương 3,26% xuống 212,8 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 131 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,22 điểm xuống 71,02 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 30 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.015 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng tăng 12,2% lên 23.533 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 9.156 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trước áp lực cản gần vùng 1.100 điểm của VN-Index, thị trường đã quay đầu giảm điểm sau nhịp tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nhịp giảm tương đối mạnh với thanh khoản cao, cho thấy áp lực chốt lời dâng cao và mức giảm hiện tại của thị trường đang vượt quá mức độ thăm dò cung cầu.
Với áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu, dự kiến thị trường sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.020 – 1.030 điểm của VN-Index nhưng có thể hồi phục trở lại để kiểm tra lại cung cầu trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và thận trọng trước tín hiệu rủi ro của thị trường. Đồng thời, có thể cân nhắc những đợt hồi phục trong thời gian tới để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Tương tự, Chứng khoán PSI theo góc nhìn kỹ thuật đã đưa ra nhận xét, tại đồ thị giao dịch ngày là một cây nến Marubozu cùng thanh khoản tằng mạnh cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn có phần gia tăng khi chỉ số tiến lên vùng giá cao. Tại khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI và MACD đều đang xuất hiện tín hiệu quá bán cho thấy áp lực rung lắc diễn ra. Tại kịch bản thận trọng, chỉ số có thể nhận được hỗ trợ tại vùng 1.020 – 1.035 điểm ứng với đường MA10 ngày và MA50 ngày.
PSI khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục cổ phiếu, có thể gia tăng thêm từ 10-20% đối với cổ phiếu tại những nhịp rung lắc của thị trường.
Vùng dưới 900 có thể là đáy dài hạn
Theo ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam - Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản, dòng tiền khối ngoại mua ròng rất nhiều thể hiện thị trường Việt Nam đã về mức hấp dẫn trong dài hạn. Đồng thời việc nhà đầu tư tổ chức mua ròng sẽ làm cho lượng cung cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít đi (làm giảm áp lực bán).
Thêm vào đó, tâm điểm của đợt hồi phục xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu đã giảm mạnh trước đó. Khi cổ phiếu chiết khấu càng mạnh, bị giảm chấp margin càng nhiều thì bật tăng càng nhanh. Ông Minh cho biết đây là đặc điểm phổ biến của các sóng phục hồi ngắn hạn của thị trường đã từng diễn ra nhiều lần trước đây.
Theo đó, ông Minh khẳng định, vùng điểm số dưới 900 của VN-Index là vùng điểm số rất hấp dẫn trong dài hạn, nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng giá quá rẻ so với nội tại doanh nghiệp. Vùng điểm số này khả năng cao sẽ là vùng đáy dài hạn của thị trường.
"Đợt tăng điểm của VN-Index vừa qua là một sóng hồi phục ngắn hạn, thu hút cả dòng tiền tổ chức và dòng tiền đầu cơ. Việc các cổ phiếu hồi phục quá nhanh và trải đều trên toàn thị trường sẽ tạo ra áp lực chốt lời ngắn hạn rất lớn trong thời gian tới", ông Minh cho hay.
Đối với đánh giá trên, ông Minh cho rằng, đợt phục hồi này sẽ diễn ra trong ngắn hạn, khoảng từ 4-6 tuần tính từ đáy. Thị trường sẽ xuất hiện các đợt điều chỉnh để hình thành một vùng giá cân bằng. Khi đó, các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cơ bản sẽ tiếp tục đi lên. Còn các cổ phiếu đầu cơ, cơ bản kém sẽ không thể lên tiếp, thậm chí là tiếp tục đi xuống. Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý cơ cấu danh mục trong giai đoạn sắp tới.
Riêng về nhóm cổ phiếu Bất động sản có tính đầu cơ cao, ông Minh nhận thấy lượng cung trôi nổi cổ phiếu quá lớn, do đó thị trường bất động sản trong 1-2 năm tới sẽ rất khó khăn về thanh khoản và dòng tiền. Vì vậy, nhà đầu tư không nên tham gia mua/nắm giữ nhóm cổ phiếu này.