Hiện tại Việt Nam, giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các Quỹ đầu tư trái phiếu rất thấp so với lượng phát hành. Theo thống kê từ Techcom Capital, giá trị trái phiếu nắm giữ bởi các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp tính đến tháng 11 vừa qua chỉ đạt hơn 18.000 tỷ, chiếm 1,6% trong tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp được xem như một dạng tín chấp, đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu mức độ an toàn - rủi ro, độ uy tín của nhà phát hành. Vì vậy, chỉ có những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp mới có đủ năng lực chuyên môn để đánh giá được. Do đó, vai trò của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như các quỹ, các công ty bảo hiểm… trên thị trường trái phiếu cần phải phát triển, nâng cao nhiều hơn nữa.
"Những quỹ đó mới thực sự là lực lượng đánh giá và mua chính cho thị trường trái phiếu. Những người dân tham gia, họ mua chứng chỉ quỹ, đầu tư vào các quỹ theo nhiều chọn lựa của họ thì thị trường như vậy sẽ được bền vững", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng, Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết.
Trái phiếu doanh nghiệp được xem như một dạng tín chấp, đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu mức độ an toàn - rủi ro, độ uy tín của nhà phát hành. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trên thế giới, Quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD; trong đó trái phiếu chiếm khoảng 45%. Ngược lại, tại Việt Nam, có tới 93% giao dịch trên thị trường chứng khoán trong năm ngoái được thực hiện bởi nhà đầu tư cá nhân.
"Các tổ chức tài chính chính quy, các quỹ tương hỗ, các quỹ trái phiếu càng ngày càng giảm so với quy mô từ những năm 2000 - 2010, lúc đó các quỹ xuất hiện rất nhiều và huy động vốn từ thế giới rất nhiều, bây giờ chỉ qua quỹ ETF. Trong khi các quỹ mở và quỹ tương hỗ, họ là những quỹ định chế nằm ở Việt nam, có tính ổn định rất cao thì giai đoạn vừa qua các quỹ này phát triển chưa tương xứng, bởi vì quá nhiều cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng, Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, thông tin.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh ngắn hạn, giải pháp trước mắt cho thị trường trái phiếu là làm sao giải tỏa áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp phát hành.
Theo đó, các giải pháp như mua lại, hay chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu…, thậm chí đối với các doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh buộc phải có kế hoạch tái cấu trúc, bán bớt tài sản…
"Nếu doanh nghiệp còn có những dự án tốt, kế hoạch tốt thì chúng ta phải tìm đúng nhà đầu tư để chúng ta bán như các quỹ đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong ngành với nhau họ hiểu được giá trị của sản phẩm và giá trị của chúng ta. Chúng ta đưa về giá thực thì sẽ có giao dịch", ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Cong ty CP tư vấn quốc tế CIB, nhận định.
Ngoài ra, để trái phiếu doanh nghiệp hiện nay thực sự là nguồn vốn cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế các chuyên gia kiến nghị, cần tách trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính với trái phiếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chuẩn mực của thị trường trái phiếu.
VTV.vn - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu yêu cầu thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ lãi và gốc trái phiếu cho nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!