Một quan chức Nga cho biết trên Bloomberg hôm 6/12 rằng nước này muốn đưa ra một cơ chế giá minh bạch cho người mua dầu thô, tuân thủ cơ chế thị trường, để đáp trả trần giá. Điện Kremlin không muốn ảnh hưởng đến các quốc gia trung lập vẫn đang mua dầu của nước này.
Một trong các biện pháp là thiết lập mức chiết khấu tối đa của dầu Nga so với các loại dầu tiêu chuẩn của quốc tế. Tức là các hãng dầu Nga sẽ không được phép giảm giá quá mức này khi bán cho khách hàng. Mức chiết khấu trên sẽ thường xuyên được đánh giá lại dựa trên tình hình thị trường năng lượng toàn cầu.
Một lựa chọn khác là đưa ra mức giá cố định. Mức này cũng sẽ được điều chỉnh định kỳ, nguồn tin trên cho biết. Chính phủ Nga hiện vẫn cân nhắc biện pháp đáp trả phương Tây.
Hiện chưa rõ các mức này sẽ là bao nhiêu. Nếu thành hiện thực, giới buôn dầu sẽ phải quan tâm xem liệu nó trên hay dưới mức sàn 60 USD một thùng mà EU và G7 áp với dầu Nga. Các công ty muốn tiếp cận dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển, vay vốn của phương Tây khi mua dầu Nga sẽ phải trả bằng hoặc dưới mức trần.
Dầu mỏ hiện là nguồn thu quan trọng với Nga. G7 kỳ vọng khi áp trần giá, dầu Nga sẽ vẫn hiện diện trên thị trường toàn cầu, nhưng nguồn thu của Nga cho cuộc chiến tại Ukraine sẽ bị siết lại.
Hôm 6/12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ có chính sách đáp trả trần giá trong năm nay. Tháng trước, nguồn tin của Bloomberg cho biết Điện Kremlin đang chuẩn bị một sắc lệnh cấm các công ty Nga và doanh nghiệp nước ngoài mua dầu nước này bán cho các bên tham gia áp trần.
Cac quan chức cấp cao Nga gần đây liên tục tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ trần giá. Họ chỉ trích chính sách này phản thị trường và sẽ gây các hậu quả nghiêm trọng lên cân bằng cung - cầu thế giới. Ông Novak tuần này nhắc lại rằng Nga sẽ ngừng bán cho các nước tham gia áp trần và sẵn sàng giảm sản xuất tạm thời nếu cần thiết.
Hà Thu (theo Bloomberg)