Báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2022 của IEA được công bố hôm thứ Ba (6/12) đã dự đoán một sự thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn điện của thế giới vào thời điểm có nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên thực sự gây ra bởi xung đột Nga-Ukraine đã tạo động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025, vượt qua than đá”, báo cáo của IEA cho biết.
Theo “dự báo trường hợp chính” của IEA, cơ quan dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 40% sản lượng điện trên toàn thế giới vào năm 2027, trùng với thời điểm giảm tỷ trọng điện than, khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân.
Theo Eurostat, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất cho EU vào năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu đã giảm trong năm nay khi các quốc gia thành viên tìm cách làm giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ.
Do đó, các nền kinh tế lớn của châu Âu đã cố gắng tăng nguồn cung từ các nguồn thay thế cho những tháng lạnh hơn sắp tới và hơn thế nữa.
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng với báo cáo, IEA đã nhấn mạnh những hậu quả của tình hình địa chính trị hiện tại.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang thúc đẩy việc lắp đặt năng lượng tái tạo tăng tốc mạnh mẽ, với tổng mức tăng trưởng công suất trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới”, báo cáo cho biết.
“Những lo ngại về an ninh năng lượng do xung đột Nga-Ukraine gây ra đã thúc đẩy các quốc gia ngày càng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, loại nhiên liệu có giá tăng đột biến”, báo cáo cho biết.
Trong bản sửa đổi lớn nhất từ trước đến nay đối với dự báo năng lượng tái tạo, IEA hiện kỳ vọng công suất tái tạo của thế giới sẽ tăng gần 2.400 gigawatt trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2027 - tương đương với “toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc hiện nay”.
Công suất điện gió và điện mặt trời tăng vọt
IEA kỳ vọng điện năng từ gió và quang điện mặt trời (chuyển đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng) sẽ cung cấp gần 20% sản lượng điện của hành tinh vào năm 2027.
Báo cáo cho biết: “Những công nghệ biến đổi này chiếm 80% mức tăng sản lượng điện tái tạo toàn cầu trong giai đoạn dự báo, điều này sẽ yêu cầu các nguồn bổ sung cho tính linh hoạt của hệ thống điện”.
Tuy nhiên, IEA dự kiến sự tăng trưởng về địa nhiệt, năng lượng sinh học, thủy điện và năng lượng mặt trời tập trung sẽ ở mức “hạn chế mặc dù vai trò của chúng là quan trọng trong việc tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào hệ thống điện toàn cầu”.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy năng lượng tái tạo bước “sang một giai đoạn phi thường mới với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của họ”.“Thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm trước”, ông cho biết.
Ngoài ra, ông cho biết thêm rằng, việc tiếp tục tăng tốc năng lượng tái tạo là “rất quan trọng” để giữ cho “cánh cửa mở ra để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.
Mục tiêu 1,5 độ C là tham chiếu đến Thỏa thuận Paris năm 2015, một hiệp định mang tính bước ngoặt nhằm “hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, tốt nhất là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp”.
Ngoài ra, việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra xuống mức 0% vào năm 2050 được xem là rất quan trọng khi đáp ứng được mục tiêu 1,5 độ C.
Đầu năm nay, một báo cáo từ IEA cho biết, đầu tư năng lượng sạch có thể sẽ vượt quá 2.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, tăng hơn 50% so với hiện nay.