Trung tâm điện lực Ô Môn là một trong những công trình trọng điểm cung cấp nguồn điện cho Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: PVN
Bộ này cho biết đã có văn bản hướng dẫn về việc các nhà máy điện Ô Môn sẽ sử dụng khí lô B gián tiếp tham gia thị trường điện, theo quy định tại thông tư 45/2018.
Yêu cầu PVN, EVN triển khai một số công việc liên quan tới dự án khí lô B; lập đề án chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện Ô Môn từ chạy dầu sang sử dụng khí lô B, phù hợp với tiến độ cấp khí của dự án khí… trong việc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Yêu cầu PVN xem xét, thống nhất với nhà đầu tư thượng nguồn (MOECO, PTTEP, PVEP) có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) chậm nhất trong tháng 6-2023 và thời điểm dự án phát triển mỏ khí lô B có dòng khí đầu tiên (first gas) chậm nhất vào quý 4-2026; báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước, thông báo cho các đối tác trung, hạ nguồn.
PVN phê duyệt, phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở của dự án phát triển khí lô B, ký hợp đồng trong tháng 6-2023. Đồng thời hoàn tất đàm phán, ký các thỏa thuận mua bán khí (GSPA), thỏa thuận bán khí (GSA) và thỏa thuận mua bán điện (PPA) chậm nhất trong quý 1-2023.
PVN cũng được yêu cầu cùng các nhà đầu tư trung nguồn (PVGas, PTTEP, MOECO) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô môn, đảm bảo đồng bộ các dự án thượng, hạ nguồn khí điện lô B.
Đối với EVN, Bộ Công Thương yêu cầu sớm phê duyệt, phát hành hồ sơ mời thầu gói EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4 trong quý 4-2022. Chỉ đạo Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) triển khai dự án đầu tư chuyển đổi nhiên liệu dầu FO sang sử dụng khí lô B cho Nhà máy điện Ô Môn 1 đồng bộ với tiến độ cấp khí.
Tập đoàn này cũng được yêu cầu hoàn thành thủ tục thẩm định đề xuất Nhà máy điện Ô Môn 3 sử dụng vốn vay ODA, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Ô Môn 3 trong tháng 12.
Bộ Công Thương cho rằng vướng mắc của chuỗi dự án khí - điện lô B được giải quyết. Cũng bởi, trách nhiệm thúc đẩy tiến độ dự án thuộc chủ đầu tư các dự án thượng, trung và hạ nguồn.
Về huy động khí cho phát điện năm nay, theo kế hoạch cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 thì khối lượng khí bao tiêu cho sản xuất điện là 5,417 tỉ m3. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là 4,237 tỉ m3; Tây Nam Bộ 1,18 tỉ m3.
Bộ Công Thương cho biết dự kiến lượng khí bao tiêu cung ứng thực tế cho sản xuất điện năm nay là 5,57 tỉ m3, vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, khí tại khu vực Đông Nam Bộ vượt 8% so với kế hoạch, đạt 4,8 tỉ m3, nhưng khu vực Tây Nam Bộ chỉ bằng 65% kế hoạch, với 0,77 tỉ m3 do các nhà máy điện Cà Mau và giàn đầu giếng gặp sự cố phải sửa chữa dài ngày.
Kế hoạch huy động khí cho phát điện những năm tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp ổn định, đầy đủ, kịp thời cho các nhà máy điện khí. Việc quản lý, điều hành khí, giá khí cũng được thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và bình đẳng.
Yêu cầu PVN, PVGas phối hợp với EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện sử dụng khí rà soát toàn bộ hợp đồng mua bán khí (GSPA), hợp đồng bán khí (GSA) và hợp đồng mua bán điện (PPA) để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo đồng bộ, xuyên suốt từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn và của cả chuỗi dự án khí - điện.
Không chỉ tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí mà ngay cả với những dự án đã và đang triển khai, vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, quy định cụ thể trong Luật dầu khí (sửa đổi).