Áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index có phiên lao dốc phiên hôm qua (6/12). Đây là phiên phân phối thứ 2 trong con sóng hồi phục diễn ra 3 tuần qua. Nếu như phiên đầu tiên vào ngày 1/12, VN-Index chỉ mất có 30 điểm trong phiên thì phiên 6/12, chỉ số này mất tới gần 45 điểm, đóng cửa mất mốc 1.050 điểm.
Sau phiên phân phối này, thị trường bước vào phiên sáng nay vẫn tiếp tục chịu áp lực chốt lời lớn khiến hàng loạt mã tiếp tục giảm sàn, đặc biệt là các mã bất động sản có nhịp hồi tốt vừa qua. Tuy nhiên, lực cầu không còn mạnh khiến giao dịch diễn ra chậm hơn nhiều, thanh khoản cũng sụt giảm.
Lực bán trong phiên chiều diễn ra mạnh hơn khiến VN-Index có nhịp rung lắc mạnh xuống ngưỡng 1.035 điểm với sắc đỏ gấp 3 lần sắc xanh. Tuy nhiên, với sự khởi sắc của VIC đã gánh cho VN-Index gần 4,4 điểm, giúp thị trường không giảm quá sâu.
VIC khởi sắc hôm nay sau thông tin đã nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ và niêm yết trên Nasdaq với mã chứng khoán "VFS" để tài trợ cho việc mở rộng với một nhà máy được lên kế hoạch ở Bắc Carolina.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, việc nộp hồ sơ đăng ký chính thức này là bước tiếp theo sau khi VinFast nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 4, theo quy trình chuẩn mực để thực hiện IPO tại Mỹ. VinFast dự định tiến hành IPO sau khi SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, và điều kiện thị trường cho phép.
Bà Thủy cho biết, định giá cũng như quy mô của đợt IPO này phụ thuộc vào các điều kiện thị trường. Một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế trong tương lai, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế.
Dù số lượng cổ phần chào bán và mức giá dự kiến hiện vẫn chưa được xác định, song thông tin này như một liều “doping” đẩy cổ phiếu VIC bay cao trên thị trường chứng khoán hôm nay.
Chốt phiên, VIC tăng trần lên 71.200 đồng với thanh khoản hơn 9,4 triệu đơn vị, mức giá cao nhất 5 tháng và thanh khoản cao nhất 10 tháng. Riêng VIC đã đóng góp cho VN-Index 4,4 điểm hôm nay. Do đó, dù áp lực chốt lời khiến số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng, trong đó có nhiều mã giảm sàn, nhưng VN-Index có mức giảm không quá mạnh.
Chốt phiên, VN-Index giảm 7,67 điểm (-0,73%), xuống 1.041,02 điểm với 101 mã tăng, trong khi có 360 mã giảm, trong đó có 75 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 921 triệu đơn vị, giá trị 14.044 tỷ đồng, giảm 38% về khối lượng và 40,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 93 triệu đơn vị, giá trị 1.283,7 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, chỉ lác đác vài sắc xanh, cùng số mã đứng giá cũng chỉ đếm trên 1 bàn tay, còn lại đều giảm, trong đó có nhiều mã giảm sàn. Có thể kể đến như NVL, DIG, HPX, DXS – những mã có đợt hồi mạnh trong thời gian ngắn vừa qua. Ngoài ra, còn có SCR, CRE, LDG, HDC, PTL, NHA, NBB, KHG, QCG…
Trong khi đó, cũng chịu áp lực chốt lời sau thời gian ngắn hồi phục ấn tượng, nhưng PDR lại đứng vững, thậm chí còn là một trong số ít mã hiếm hoi của nhóm này tăng điểm với mức tăng 1,9% lên 15.800 đồng.
Nhóm ngân hàng cũng chỉ còn một vài sắc xanh, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là EIB mất 4,9% xuống 19.500 đồng, VPB giảm 4,1% xuống 16.200 đồng. HDB và TPB giảm hơn 3%; STB, MBB và TCB giảm hơn 2; VCB, MBS, LPB giảm hơn 1%...
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó có 3 mã giảm sàn là APG, TVB và VIX. Trong các mã lớn, chỉ có VCI tăng 1,6% lên 25.450 đồng, VND đứng giá 14.300 đồng, còn SSI giảm 1,5% xuống 19.250 đồng, HCM giảm 3% xuống 21.150 đồng.
Nhóm thép POM lại bất ngờ tăng kịch trần lên 5.660 đồng, cùng DTL tăng nhẹ 0,8% lên 26.200 đồng và VCA đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, HSG giảm 5,3% xuống 11.600 đồng, NKG giảm 4,8% xuống 11.900 đồng, HPG giảm 1,9% xuống 18.250 đồng.
Về thanh khoản, VND là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 38,9 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG với 34,6 triệu đơn vị. HAG khớp gần 28 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,6% xuống 9.180 đồng.
Các mã có thanh khoản tốt khác có STB khớp 27,8 triệu đơn vị, DIG khớp 26,9 triệu đơn vị, VPB khớp 26,2 triệu đơn vị…
Sàn HNX dù có những phút bất lại khá tốt, thậm chí còn vượt qua tham chiếu, nhưng trước áp lực bán lớn, cuối cùng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức thấp hơn đáy của phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,87 điểm (-1,35%), xuống 209,93 điểm với 40 mã tăng và 154 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,3 triệu đơn vị, giá trị 1.590 tỷ đồng, giảm 38,9% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 42,3 tỷ đồng.
Trong nhóm có thanh khoản tốt và các mã bluechip đáng chú ý, chỉ có PVS và IDI giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều giảm, trong đó có 4 mã sàn là CEO, NRC, IDJ và APS. Khớp lớn nhất là SHS với 24,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,4% xuống 8.600 đồng. CEO giảm sàn xuống 19.700 đồng, khớp 19,6 triệu đơn vị. PVS tăng 0,4% lên 23.500 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị. NRC, IDJ và MBS khớp hơn 4 triệu đơn vị, ngoài 2 mã sàn NRC và IDJ, thì MBS cũng giảm 5,1% xuống 13.000 đồng. IDI tăng 1,5% lên 34.300 đồng, khớp 3,88 triệu đơn vị và APS giảm sàn xuống 10.300 đồng, khớp 3,73 triệu đơn vị.
Sàn UPCoM lại thiết lập đáy của ngày trong phiên chiều, nhưng hãm bớt đà giảm trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,81%), xuống 70,45 điểm với 99 mã tăng và 182 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,6 triệu đơn vị, giá trị 616 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 43,7 tỷ đồng.
Các mã có thanh khoản tốt trên sàn này đều giảm khi đóng cửa, trong đó BSR giảm 4,7% xuống 14.200 đồng, khớp 10,5 triệu đơn vị. VHG giảm sàn xuống 2.500 đồng, khớp 5,64 triệu đơn vị. Các mã BDT, SBS, ABB, DDV, C4G giảm từ hơn 6% đến hơn 9%, thanh khoản từ hơn 1,3 triệu đơn vị đến gần 4,8 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, 2 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn gần nhất đều tăng, trái ngược với đà giảm của VN30. Cụ thể, VN30-Index giảm 6,48 điểm (-0,61%), xuống 1.047,58 điểm, còn hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 12 tăng 7,3 điểm (+0,7%), lên 1.053,3 điểm với 503.186 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 45.741 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, trong đó có nhiều mã giảm kịch biên độ cho phép, chủ yếu là do KIS và VND phát hành. Mã giảm mạnh nhất là CVPB2208 do VND phát hành giảm 80% xuống 10 đồng, thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, hôm nay CHPG2221 do SSI phát hành lại có thanh khoản vượt trội bất ngờ với gần 9,28 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,1% xuống 130 đồng. CTPB2206 cũng do SSI phát hành có thanh khoản đứng sau với hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 25% xuống 30 đồng. Ngoài ra, hôm nay cũng có nhiều mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.