Trong mùa đông, mọi người rất dễ bị hắt hơi, sụt sịt mũi hoặc tệ hơn. Phản ứng của cơ thể giống như chúng ta nhiễm một mầm bệnh liên quan đến cảm lạnh hoặc cúm. Và điều đó diễn ra gần như ngay lập tức với những cơn gió lạnh của mùa đông.
Hiện tại, các bác sĩ có những loại vắc xin cúm để tiêm cho mọi người. Chúng giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, rõ ràng vi khuẩn, virus tồn tại quanh năm nhưng mọi người lại thường bị cảm lạnh hoặc cúm vào đông.
Trong một khám phá mà các nhà khoa học mô tả là đột phá, cuối cùng, họ cũng tìm ra lý do tại sao chúng ta thường mắc bệnh về đường hô hấp nhiều hơn vào mùa đông. Chính không khí lạnh đã làm tê liệt cơ chế phòng vệ của cơ thể xảy ra trong mũi.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta có lời giải thích dựa trên nghiên cứu sinh học, phân tử về một trong những phản ứng miễn dịch bẩn sinh của chúng ta bỗng trở nên kém hiệu quả khi trờ lạnh hơn”, Bác sĩ chuyên khoa mũi Zara Patel – giáo sư tai mũi học và phẫn thuật đầu và cổ tại Đại học Y khoa Stanford, California, cho biết.
Thực tế, khi nhiệt độ bên trong mũi giảm xuống 5 độ C, khoảng 1 nửa trong số hàng tỷ tế bào có nhiệm vụ chống virus và vi khuẩn trong mũi sẽ bị tiêu diệt. Đây là khẳng định của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng, đăng tải hôm 6/12.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa mũi Benjamin Bleier – giám đốc khoa tai mũi họng tại trường Massachusetts Eye and Ear đồng thời là phó giáo sư Đại học Y Harvard - người trực tiếp thực hiện nghiên cứu, cho biết: “Không khí lạnh có liên quan đến việc gia tăng lây nhiễm do viurs vì cơ bản, bạn đã mất một nửa khả năng miễn dịch chỉ bởi sự giảm nhẹ của nhiệt độ đó”.
Tổ ong bắp cày
Để hiểu tại sao điều này xảy ra, Bleier và nhóm của ông đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài. Thông thường, vi khuẩn hoặc virus gây bệnh hô hấp thường xâm nhập cơ thể qua đường mũi. Ngay lập tức, phần mũi phía trước phát hiện ra mầm bệnh còn phần mũi phía sau nhận ra kẻ xâm nhập. Chúng sẽ kích hoạt các tế bào lót mũi tạo ra hàng tỷ bản sao của chúng ở dạng đơn giản, được gọi là túi ngoại bào hay EV.
“EV không thể phân chia như các tế bào nhưng chúng giống phiên bản mini của các tế bào, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các loại virus này. EV hoạt động như mồi nhử và khi bạn hít phải virus, chúng sẽ dính vào mồi nhử thay vì dính vào tế bào”, Bleier cho biết thêm ngay sau đó, kẻ xâm nhập sẽ bị đào thải như nước mũi trước khi chúng có thể nhân lên.
Theo các chuyên gia, đây là cơ chế duy nhất của hệ thống miễn dịch, giúp chúng ta chiến đấu với vi khuẩn và virus trước cả khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
“Giống như khi bạn thấy một tổ ong bắp cày, có thể có vài con bay xung quanh. Tuy nhiên, khi bạn đá vào tổ, cả đàn ong bay ra để tấn công chứ không để cho kẻ thù chui được vào bên trong. Đó cũng chính là cách cơ thể phòng về trước những con vi khuẩn, virus trước khi chúng có cơ hội xâm nhập vào tế nào”, bác sĩ Bleier cho biết.
Hệ thống phòng vệ “siêu khủng”
Nghiên cứu cho thấy, khi cơ thể bị tấn công, mũi ngay lập tức tăng cường sản xuất các túi ngoại bào lên 160%. Bản thân các EV có nhiều thụ thể trên bề mặt hơn so với tế bào, giúp kẻ xâm nhập dễ dàng bám vào, thậm chí chủ động tóm lấy kẻ xâm nhập. Chính cơ chế này khiến chúng ngăn chặn hiệu quả kẻ tấn công.
“Hãy tưởng tượng các thụ thể này giống như những cánh tay nhỏ đang thò ra ngoài, cố gắng bám lấy virus, vi khuẩn khi bạn hít phải chúng. Chúng tôi nhận thấy mỗi EV có nhiều thụ thể gấp 20 lần tế bào, khiến chúng trở nên siêu dính”, bác sĩ Bleier nói.
Trong khi đó, các tế bào trong cơ thể chưa một chất diệt virus được gọi là micro RNA. Các EV trong mũi chứa các chuỗi RNA nhỏ gấp 13 lần so với tế bào bình thường. Chính bởi thế, chúng có một siêu năng lực để tiêu diệt những kẻ xâm nhập một cách hoàn hảo.
Khi bức tường thành bị… đánh đổ
Tuy nhiên, lợi thế này không phải lúc nào cũng được duy trì. Khi trời giá lạnh, cơ chế này bị tê liệt một cách nhanh chóng.
Để tìm hiểu cơ chế này, nhóm của Bleier đã đưa 4 người ra nhiệt độ 4,4 độ C trong 15 phút rồi sau đó đo hiện trạng bên trong khoang mũi của họ. Khi tiếp xúc với không khí lạnh, nhiệt độ trong khoang mũi có thể giảm tới 5 độ C. Về cơ bản, đó là đủ để loại bỏ tất cả các ưu thế mà dịch mũi có được trước vi khuẩn.
Trên thực tế, một chút lạnh ở mũi đủ để loại gần 42% ngoại bào khỏi cuộc chiến. Một nửa lượng RNA của các siêu chiến binh này cũng bị tê liệt. Lượng thụ thể cũng bị giảm bớt khiến chúng ít dính hơn so với thông thường.
Chính điều này ảnh hưởng tới khả năng đối phó với cảm lạnh, cúm của cơ thể. Và hiểu được điều đó, chúng ta tin rằng đeo khẩu trang có thể là một cách tốt để bảo vệ mũi khỏi giá lạnh, qua đó ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
Ông Bleier cũng hy vọng nghiên cứu của họ sẽ giúp tạo ra các loại thuốc nhỏ mũi khắc phục được tình trạng này.
Tham khảo: CNN