Với Lệnh 248 (quy định quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, có hiệu lực từ 1/1/2022) và Lệnh 249 (biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này phải đăng ký và được cấp mã số để theo dõi.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng thông báo điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), đến nay, Trung Quốc đã cấp 2.426 mã sản phẩm cho khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt. Trong số đó, 51% mã được đăng ký qua cơ quan có thẩm quyền, số còn lại là doanh nghiệp tự khai báo qua hệ thống trực tuyến của Hải quan Trung Quốc.
"Số lượng mã số được cấp phép cho Việt Nam là tương đối lớn so với các nước trong khu vực", ông Nam nói. Theo ông, về ngành hàng, thuỷ sản được cấp phép nhiều nhất với 802 mã số, kế đến là các sản phẩm về hạt như điều, cà phê, dầu thực vật. Hiện các sản phẩm chức năng được cấp phép ít nhất.
Đánh giá chung, ông Nam cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ hai lệnh trên dẫn đến việc triển khai còn nhiều lúng túng, khiến việc thông quan bị chậm.
"Một số doanh nghiệp khai báo sai mã số nên bị trả hàng để làm lại", ông nói và lưu ý doanh nghiệp phải xác định sản phẩm, rà soát cho đúng.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp chuyện Trung Quốc đang ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn cao về nông sản, thực phẩm. Theo đó, nước này đã thay đổi 10.092 mức dư lượng tối đa cho phép của 564 thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục 376 thực phẩm. "Đây là số lượng tương đối lớn nên khi các doanh nghiệp sản xuất cần chú ý mức dư lượng để đáp ứng cho đúng", ông nói.
Hay ngày 28/7 vừa qua, Trung Quốc cũng đã ban hành 36 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm. "Chúng ta sản xuất để bán hàng sang Trung Quốc, nên phải nắm các quy định này", ông nhấn mạnh.
Đức Minh