Dinh thự nép mình trên đỉnh một vách đá nhìn ra sông Hudson được xây dựng từ những năm 1890, diện tích gần 500 m2 có 8 phòng ngủ, 5 toilet, nội thất toàn đồ gỗ tinh xảo.
Năm 1960, vợ chồng George và Helen Ackley đang tìm kiếm ngôi nhà rộng rãi bên bờ sông cho bốn đứa con nên ngay lập tức để ý và quyết định mua. Tuy nhiên, điều mà họ không biết là câu chuyện về "ngôi nhà bị ma ám" đã lan truyền khắp thị trấn Nyack trong nhiều năm.
Niềm vui ban đầu của đôi vợ chồng mới mua nhà vấp phải sự dè chừng của người dân địa phương. George và Helen không mất nhiều thời gian để nhận ra những điều này.
Sau hơn một thập kỷ, Helen quyết định viết về trải nghiệm huyền bí của gia đình, gửi những câu chuyện cho tạp chí Reader's Digest và vài tờ báo địa phương. Ngay sau lần gửi bài đầu tiên, chồng bà qua đời vì bệnh tim.
Đầu năm 1989, Helen bán căn nhà, ký hợp đồng với người mua tên Jeffrey Stambovsky, giá 650.000 USD với khoản đặt cọc 32.500 USD.
Tuy nhiên, đến từ sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố New York, Jeffrey Stambovsky không hay biết về những tin đồn xung quanh ngôi nhà. Bà Helen cũng không đề cập điều này cho khách.
Khi biết về những câu chuyện này, Jeffrey Stambovsky kiện bà Helen và nhà môi giới bất động sản về tội lừa đảo và yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Ông cho rằng, với những câu chuyện đồn thổi, giá trị thị trường và khả năng bán lại của tài sản giảm đi rất nhiều.
Tòa án New York bác vụ kiện, song ông Jeffrey kháng cáo.
Năm 1991, Tòa phúc thẩm của New York đã đồng ý xét xử. Đôi bên chủ yếu tranh cãi về việc có thông báo về việc ngôi nhà bị ma ám hay chưa. Trong khi bà Helen và nhà môi giới khẳng định đã thông báo, nguyên đơn quyết liệt phủ nhận với lý luận "nếu được báo, tôi còn mua làm gì".
Tòa án đã đưa ra kết luận cơ bản rằng, dù có thật hay không những câu chuyện được chủ nhà viết công khai trên báo chí đã ảnh hưởng đến giá trị ngôi nhà. Với các bài viết đã đăng, bà Helen không thể phủ nhận chứng cứ này.
Song Hội đồng xét xử cũng viện dẫn học thuyết emptor caveat (tiếng Latin nghĩa là "người mua hàng hãy cẩn thận") trong Luật thương mại. Theo đó, trong các giao dịch dân sự, người mua cũng có nghĩa vụ phải kiểm tra tài sản một cách hợp lý trước khi giao dịch. Nếu không đáp ứng được nghĩa vụ này, người mua sẽ không thể đòi bên bán bồi thường.
Bản án nhận định, bà Helen không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do thực tế không thể dễ dàng xác định ngôi nhà có bị "ma ám" bằng chứng cứ vật chất, Tòa chỉ đơn giản hủy bỏ hợp đồng của ông Jeffrey Stambovsky.
Ông không phải mua căn nhà nữa, nhưng bị mất tiền đặt cọc hơn 32.000 USD.
Vụ án đã dẫn đến việc bổ sung một điều khoản vào luật thương mại, liên quan việc mua bán bất động sản. Cụ thể, chủ sở hữu hiện tại phải tiết lộ bất kỳ sự khác biệt nào có thể xảy ra với bất động sản định bán. "Sự khác biệt" có thể bao gồm nhiều thứ, tùy thuộc từng tiểu bang, từ sự xâm nhập của côn trùng, cho đến việc ngôi nhà từng có một vụ giết người trong đó, thậm chí cả việc nghi ngờ những điều tâm linh.
Sau phiên tòa, bà Helen đã dễ dàng bán căn nhà. Kể từ đó, những chủ sở hữu mới lần lượt là đạo diễn phim Adam Brooks, ca sĩ Ingrid Michaelson và ca sĩ, rapper Matisyahu... Họ cho biết không bắt gặp tình huống hay việc nào như đồn đại.
Ngôi nhà được bán lần gần nhất tháng 1/2016, giá 1,77 triệu USD. Ngày nay, bất động sản này vẫn được quảng cáo là ngôi nhà "bị ma ám hợp pháp" duy nhất ở Mỹ.
Do tính độc đáo của nó, trường hợp này thường được in trong sách giáo khoa về hợp đồng và luật tài sản và được giảng dạy rộng rãi trong trường luật khắp nước Mỹ và được trích dẫn bởi nhiều tòa án nước khác.
Hải Thư (theo Sword and Scale, Hein online, Morbidology, The Star)
Xem thêm: lmth.4294454-ym-o-taul-coh-hnirt-oaig-gnort-gneit-ion-ma-am-ahn-iogn-neik-uv/ten.sserpxenv