Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà các hệ thống phân phối, siêu thị lớn cũng đang tất bật chuẩn bị, dự trữ hàng hóa cho dịp cao điểm mua sắm Tết.
Theo khảo sát của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm, dầu ăn… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm phổ biến dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cũng đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá cả không có biến động lớn.
Siêu thị tăng dự trữ nguồn hàng cho Tết Nguyên đán 2023
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart cho biết, cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán 2023 đang đến gần. Từ đầu tháng 12, hệ thống WinMart/WinMart+ ghi nhận lượng người mua sắm nhộn nhịp so với tháng trước. Khách hàng chủ yếu mua hàng hóa, giỏ quà Tết phục vụ biếu tặng.
“Dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao từ đầu tháng 1/2023 cho đến Tết. Để chuẩn bị cho Tết Quý Mão 2023, WinCommerce đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn từ vài tháng trước Tết. Năm nay, sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng phục vụ Tết tăng 20% - 30% so với các tháng bình thường trong năm và so với cùng kỳ Tết 2022”, ông Tuấn cho biết.
Cụ thể, đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, WinCommerce chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu, trọng tâm cho dịp Tết như rau củ quả, thịt,.. Nguồn cung các mặt hàng này tăng 20% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng truyền thống dịp Tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối cũng được chuẩn bị với số lượng lớn và giá tốt, khuyến mại lên tới 50%.
Đối với ngành hàng tiêu dùng, mặt hàng chủ đạo không thể thiếu trong dịp Tết là bánh kẹo, đồ uống được chuẩn bị sản lượng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, WinCommerce cũng tăng cường nguồn cung các nhóm hàng thực phẩm khô, đặc sản vùng miền,… Các mặt hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa là mặt hàng được người dân sử dụng nhiều cho ngày cận Tết khi có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa. Sản lượng các mặt hàng này không có biến động, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu cho người dân.
Còn bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám Đốc công ty TNHH Bán Lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, BRGMart/ Haprofood BRGMart đã tăng cường nguồn hàng từ 40% - 50% so với lượng bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đảm bảo nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Siêu thị sẽ đáp ứng các mặt hàng tươi sống, thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, bánh chưng, giò chả, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng mùa vụ, đặc sản Tết cho mọi gia đình trong dịp Tết gồm: nông đặc sản từ các vùng miền như măng, miến, mộc nhĩ, gia vị, bánh mứt kẹo, hạt, rượu bia, nước giải khát …sản xuất tại Việt Nam và các mặt hàng nhập khẩu bánh kẹo trái cây.
“BRGMart đã lựa chọn kỹ lưỡng, nhập khẩu trực tiếp rất nhiều mặt hàng chất lượng cao, giá hấp dẫn phục vụ khách hàng. Cùng với đó, giỏ quà Tết BRGMart 2022 với các thiết kế tinh tế, phong phú chủng loại, phù hợp với thị hiếu và giá cả hợp lý cho mọi gia đình Việt cũng được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng”, bà Nguyễn Thuỳ Dương cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng thực hiện chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm với các mức giảm giá lên tới 50%, mua 1 tặng 1 đi kèm với các quà tặng hấp dẫn tri ân khách hàng như tặng mũ bảo hiểm, … Bốc thăm trúng thưởng với nhiều giải thưởng lớn lên đến hàng trăm triệu đồng.
Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam Trần Kim Nga chia sẻ: “Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM Mega Market tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.000 tỷ đồng. Đơn vị đã tăng lượng hàng dự trữ tùy từng nhóm hàng tối thiểu từ 200% trở lên để phục vụ cho dịp cao điểm mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023”.
Tăng cường kiểm soát thị trường, ổn định giá cả
Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này tại hầu hết các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên cả nước đang khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.
Tại nhiều địa phương, ngành công thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.
Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cũng đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.
Theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.
Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.
Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Theo đó, Bộ sẽ rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; tạo thuận lợi hóa cho doanh nghiệp trong việc các thủ tục xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết.
Mặt khác, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng đang tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.
Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.
Tổng cục cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là một số mặt hàng trọng điểm. Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết. Đây được coi là những giải pháp trọng tâm đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Quý Mão 2023
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 (Kế hoạch).
Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Theo Kế hoạch, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố:
Đoàn số 1: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam.
Đoàn số 2: Thanh tra (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa.
Đoàn số 3: Thanh tra (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre.
Đoàn số 4: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Nam Định, Thái Bình.
Đoàn số 5: Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Long An.
Đoàn số 6: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long.
Theo Kế hoạch, đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
T.M (tổng hợp)