Phát biểu trước phiên chất vấn chiều 8-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho hay năm 2022, điểm sáng bao trùm của TP là kết quả phục hồi kinh tế - xã hội (KTXH) đạt hơn dự kiến.
Điều này được thể hiện qua việc kiểm soát dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP 9,02%, hoạt động của người dân, doanh nghiệp phục hồi sống động...
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu trước phiên chất vấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Bài học về sự chủ động
Để đạt được những kết quả này, theo Chủ tịch UBND TP có ba nguyên nhân. Thứ nhất là do sự chủ động hình thành các chiến lược phục hồi - phát triển KTXH. “Đây là bài học cho chúng ta trong sự chủ động” – ông Mãi nhấn mạnh.
Thứ hai là sự năng động và tinh thần vươn lên mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp TP. Theo ông Mãi đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển của TP qua các thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn nhất.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương bạn, đặc biệt là nguồn lực của bà con kiều bào. Ông Mãi dẫn chứng, lượng kiều hối năm 2022 gửi về dự kiến đạt khoảng 6 tỉ USD và con số này năm nay có thể tiếp tục tăng. “Nếu TP tiếp tục có chính sách thì chắc chắn đây sẽ là nguồn lực quan trọng, hỗ trợ TP trong giai đoạn khó khăn về nguồn vốn” – Chủ tịch TP nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, TP cũng có một “điểm xám” là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, chưa tháo gỡ được khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những tồn đọng lớn, nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nguồn lực phát triển chưa thông suốt, trong đó có nguồn vốn đầu tư xã hội và cả vốn đầu tư công.
Từ đầu quý 4-2022, tình hình tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Cùng đó là tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính và công chức viên chức tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.
Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, ông Phan Văn Mãi cho hay trong thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống. Trước mắt là tập trung cao để giải ngân đầu tư công đạt trên 80%; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN vượt qua khó khăn trước mắt; triển khai kế hoạch bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội cho những lao động mất việc, các nhóm yếu thế, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Đồng thời sẵn sàng các kịch bản “quản trị rủi ro” trong điều kiện khó khăn vẫn còn tiếp diễn trong năm 2023.
Các đại biểu tại phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 8-12. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 7,5%-8%
Dự báo tình hình năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn như sức ép lạm phát rất lớn, tỉ giá và lãi suất tăng, giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh; thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng. Từ đó, TP đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 7,5%-8%.
Để đạt được mục tiêu này, ông Phan Văn Mãi yêu cầu từng sở ngành, quận huyện và mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung nắm chắc tình hình; làm tốt nhiệm vụ của mình và phối hợp giải quyết công việc hành chính đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao khả năng hấp thụ vốn.
Trong điều hành, UBND TP sẽ tiếp tục rà soát, củng cố các thành viên phụ trách các tổ công tác, phân nhóm các công việc và tập trung giải quyết, kiểm tra đôn đốc, gắn với đánh giá cán bộ hàng quý, hàng năm. Cùng đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong phân công, theo dõi kết quả xử lý công việc.
“TP cũng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 16, Nghị quyết 54 (mới), Nghị quyết 24 về Đông Nam bộ gắn với kế hoạch thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm” – Chủ tịch TP nói và cho biết trong sáu tháng đầu năm, TP sẽ chuẩn bị kế hoạch nâng trần trung hạn để trình cấp có thẩm quyền. Từ đó huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho các dự án trọng điểm.
TP cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thành thủ tục khu công nghệ cao giai đoạn 2, KCN Lê Minh Xuân; triển khai có kết quả bước đầu đề án logistics, đề án phát triển kinh tế ven sông – kinh tế đêm…
Hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội TP để trình cấp có thẩm quyền vào quý IV-2023; triển khai kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là dự án Rạch Xuyên Tâm.
“Dự án Rạch Xuyên Tâm như là bước đi đầu tiên để thực hiện đề án phát triển nhà ở, thay nhà ven kênh rạch, nhà chung cư cũ, nhà lưu trú công nhân… nhắm tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước” – ông Mãi nhấn mạnh.
Cùng đó là tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như metro 1, khởi công vành đai 3; hoàn thành hồ sơ chuẩn bị triển khai đường vành đai 2, 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM-Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ…
Tập trung triển khai đề án giáo dục thông minh, y tế thông minh với ba mảng nội dung là khung pháp lý, dữ liệu và hạ tầng. “Mục tiêu đến cuối năm 2025, TP sẽ chuyển hoạt động của hệ thống hành chính lên nền tảng số” – Chủ tịch TP nhấn mạnh và nhìn nhận đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng đầy thách thức. Do đó ông yêu cầu các sở ngành, đơn vị cần có sự tập trung ngay từ đầu năm 2023.
Liên quan đến đề án sắp xếp khu phố - ấp, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin UBND TP đang hoàn thành đề án và sẽ triển khai thực hiện theo quy định của Trung ương. Việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo giải quyết chính sách cho những người liên quan.
Tại kỳ họp này, UBND cũng đã trình HĐND cho ý kiến về việc tăng thêm hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023.
“Đây là việc cần phải làm và làm từng bước để giá đất có thể tiệm cận hơn với giá thị trường” – ông Mãi nói và cho hay nếu năm nay không thực hiện thì sau này khi có điều chỉnh nhanh hơn sẽ gây sốc cho người dân, doanh nghiệp.