Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng trong năm tới tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 với chủ đề “Vận hội mới cho xuất khẩu – Tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 8-12.
Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC cho biết, TP.HCM ghi nhận điểm sáng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm nay, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TP xuất qua cảng của TP bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 36 tỉ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC cho biết bên cạnh những thách thức vẫn có thời cơ để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên tăng trưởng trong năm 2023. Ảnh: QH |
Nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2%; nhóm dệt, may tăng 43%. Tiếp đến, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 34%; nông sản tăng 6%, nhóm hàng thủy hải sản tăng mạnh nhất 70% so với cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 8,2 tỉ USD, tăng 7% so cùng kỳ và chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu.
Thứ hai là thị trường Mỹ đạt hơn 6,3 tỉ USD, tăng 20%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản đạt 2,4 tỉ USD, tăng 24%. Riêng với thị trường EU, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp TP đạt 4,9 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
TP.HCM tiếp tục là "điểm sáng" trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2022. Ảnh: QH |
Dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn.
Tuy nhiên, ông Lữ cho biết nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận định đây là thời cơ, là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM chia sẻ, nhiều công ty Nhật cho biết họ muốn mở rộng việc kinh doanh trong tương lai gần như năm 2023. Vì vậy, rất nhiều công ty Nhật quan tâm đến Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, về tương lai của đất nước, và muốn đầu tư vào Việt Nam.
Các công ty Nhật mong muốn tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ cũng rất quan tâm đến lĩnh vực có giá trị gia tăng cao ví dụ như ô tô, thiết bị điện, và những ngành tương tự.
Khách hàng quốc tế tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 ngày 8-12. Ảnh: QH |
“Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực Asean cùng 6 quốc gia đối tác (RCEP) được ký kết cách đây hai năm đã tạo nên lợi thế cho Việt Nam. Cùng với sự gia nhập của Trung Quốc, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thô nhập từ Trung Quốc sẽ được miễn thuế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng lớn trong việc gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Tôi cho rằng, vào năm 2023 các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng hoạt động xuất khẩu dựa trên các Hiệp định kinh tế thương mại, cùng với việc sản xuất các sản phẩm bằng vật liệu giá trị gia tăng và tăng cường kỹ thuật gia công, chế biến các sản phẩm nông nghiệp”- ông Matsumoto Nobuyuki đánh giá lạc quan.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,5 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.