Trong suốt sự nghiệp của mình, cố Thủ tướng, nhà chính trị kiệt xuất Võ Văn Kiệt - còn được biết đến với tên gọi thân ái ông Sáu Dân – đã để lại di sản quý giá cho nền chính trị cho Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn Đổi mới, xây dựng đất nước.
Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét trong buổi ra mắt cuốn sách Võ Văn Kiệt - trăm năm trong một chữ Dân, ông đã là Người Truyền Lửa cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp cùng hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Đó là ngọn lửa của lòng yêu Nước, thương Dân, ngọn lửa của tư duy Đổi mới, sáng tạo, ngọn lửa của tinh thần Học hỏi, Lắng nghe, ngọn lửa của tâm tình Bao dung, Hòa hợp…
Các tác giả có mặt tại buổi ra mắt sách chiều 8-12. Ảnh: HẢI ANH |
Lóe lên ý tưởng hồi tháng 9 vừa rồi, bà Phạm Chi Lan cùng một số người có thời gian gắn bó với ông Sáu Dân đã tập trung liên hệ, tìm người viết lại những mẩu chuyện nhỏ về cố Thủ tướng. Cuối cùng, nhóm biên tập đã gom được 32 bài viết của nhiều tác giả là các chính trị gia, nhà nghiên cứu, chuyên viên, các nhà văn, nhà báo.
Đây là những câu chuyện có thể từng được kể hoặc giờ mới hé lộ liên quan đến cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một người đã dũng cảm dấn thân vì sự nghiệp của dân tộc với tầm nhìn xa trông rộng nhưng lại rất gần gũi với đời sống của đất nước.
Và người hâm mộ ông Sáu Dân có thể được biết thêm những góc khuất ẩn sau nụ cười rạng rỡ, cởi mở của ông; có thể được biết những trăn trở của ông; chông gai trên mỗi chặng đường ông đi, những cái giá ông phải đánh đổi để được làm một việc vì dân...
Đó là chuyện về các biệt danh của ông những năm 1975-1990, nào là “Chủ tịch gạo” - vì đã cho phép công ty lương thực cùng các sở ngành tới các tỉnh mua lúa sát theo giá trị trường, gấp 5 lần giá thu mua của nhà nước, để giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của TP.HCM.
Là “Bí thư xé rào” vì đã tìm cách để các cơ sở sản xuất công nghiệp Sài Gòn thời hậu chiến có đủ vật tư nguyên liệu điện xăng dầu và phụ tùng thay thế thay vì ngồi chờ Trung ương điều chỉnh chủ trương đã không còn hợp thời.
Chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách, ông Trần Đức Nguyên - người tham gia tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - kể lại những trăn trở của ông Sáu Dân khi đã về với cuộc sống hưu trí. Đây là trăn trở thường xuyên của chính khách Võ Văn Kiệt rút ra từ thực tế cuộc sống và từ trải nghiệm của bản thân qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau. Đó là bài học đại đoàn kết, thực hiện dân chủ, tự do, là phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời của dân tộc.
Trong dòng suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc, ông Võ Văn Kiệt nổi tiếng là người tôn trọng và lắng nghe trí thức. Sau năm 1975, nhiều trí thức vốn là những nhân vật có tiếng tắm trong chế độ cũ được ông thân tình giúp đỡ và chia sẻ nỗi niềm. Điều đó giải thích tại sao ông nhận được lòng quý mến của giới trí thức.
Huỳnh Bửu Sơn - chuyên viên ngân hàng, là một thành viên tích cực của Nhóm Thứ Sáu, có cơ hội làm việc thường xuyên với ông Võ Văn Kiệt - từng bộc bạch chân thành trong một bài viết rằng: “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung, nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.
Qua những lời kể trong cuốn sách này, người đọc còn biết thêm nhiều câu chuyện và giai thoại về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ những chuyến đi công tác nước ngoài gặp gỡ các chính khách, tới những góc khuất trong cuộc sống đời thường như chuyện lập gia đình, chuyện tiếp bạn từ thuở “mày tao chi tớ” ở quê nhà.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, chủ biên cuốn sách, tự nhận xét Võ Văn Kiệt - trăm năm trong một chữ Dân chỉ là tập sách mỏng nhẹ về số trang nhưng nặng dày tình cảm yêu mến, kính trọng với vị Thủ tướng xuất sắc của đất nước, người đã sâu về tâm lại còn lớn về tầm.
Và đúng như vậy. Chỉ tròn 300 trang nhưng cuốn sách thật nặng dày vì các tác giả đều là những người từng sống, từng làm việc, từng trải qua những vui - buồn, thành công - thất bại, ngọt ngào - cay đắng với Võ Văn Kiệt.
Đã là lần đầu họ được viết, được kể những câu chuyện, những kỷ niệm với ông Sáu Dân thân thương mà không chỉ là chuyện vui, không chỉ là những thành công.
Trong ấy có khoảnh khắc ông chán nản ném tập hồ sơ lên bàn, ngồi phịch xuống ghế. Trong ấy có tập sách công phu về ông đã bị đình bản chỉ vì một cái tên tác giả. Trong ấy có người đồng chí hỏi ông xóc óc: "Ngày vào Đảng là thiêng liêng mà đồng chí không nhớ rõ, vậy có đủ phẩm chất của đảng viên không?".
Những câu chuyện trong cuộc đời ông khiến người đọc có cảm giác như ông đã ra những quyết định rất nhanh bằng lòng thương dân, vì dân của mình. Nhưng cuộc đời thật nào có phải như vậy, nhất là cuộc đời vào những thời kỳ khó khăn đến khắc nghiệt như ông Sáu Dân đã đi qua.
Những câu chuyện mà những người quanh ông đã đợi đến hôm nay - thời điểm của trăm năm - mới kể, và đó mới là những câu chuyện trăm năm đúng nghĩa.
Nhóm tác giả đã rất nỗ lực, nhưng việc ra mắt cuốn sách chiều nay có phần hơi trễ với sinh nhật lần thứ 100, hôm 23-11 của ông Sau Dân. Song đây là tâm nguyện của những người có nhiều kỷ niệm gần gũi với cố Thủ tướng Vó Văn Kiệt, là mảnh ghép liền với hoạt động kỷ niệm trang trọng mà Đảng, Nhà nước đã dành cho ông những ngày qua.