Ngay khi có "biến", chủ cơ sở đã trả mặt bằng - Ảnh: D.PHAN
Hậu quả là nhiều khách hàng liên tục cầu cứu các bệnh viện khi có biến chứng xảy ra sau khi làm đẹp tại cơ sở dỏm.
Điều đáng nói, khi xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng mới đến kiểm tra xử lý, phải chăng công tác quản lý các cơ sở làm đẹp vẫn đang bị "thả nổi"?
Né tránh kiểm tra, hoạt động ngầm
Mới đây, cô gái trẻ 25 tuổi ở TP.HCM đã tử vong sau khi đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái tại trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận). Khi xảy ra biến chứng, nạn nhân đã được hai bệnh viện lớn nỗ lực cứu chữa nhưng bất thành.
Khi phát hiện vụ việc, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở thì đã "vườn không nhà trống". Theo chủ căn nhà, người thuê căn nhà để kinh doanh chăm sóc da đã thông báo trả nhà, dọn đi và thanh lý hợp đồng thuê nhà vào ngày 1-12, ngay sau khi vụ tai biến xảy ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-12, ông Phạm Tấn Hoan - trưởng Phòng y tế quận Phú Nhuận - cho biết hiện trên địa bàn quận có 225 cơ sở chăm sóc sắc đẹp và 7 cơ sở thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ (có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề). Việc kiểm tra các cơ sở làm đẹp, bệnh viện hay phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn luôn được thực hiện thường xuyên từ trước đến nay.
Vụ việc trên là sự cố đầu tiên xảy ra trên địa bàn quận. Cơ sở này đã đăng ký giấy phép kinh doanh tháng 2 vừa qua, với các dịch vụ như spa, chăm sóc da, làm đẹp... như biển hiệu quảng cáo. Từ tháng 2 cho đến trước khi xảy ra vụ việc, đoàn kiểm tra đã đến cơ sở này hai lần để thực hiện hậu kiểm nhưng đều thấy khóa cửa, chưa kiểm tra thực tế được lần nào.
Trả lời câu hỏi tại sao phòng y tế quận cùng các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở làm đẹp trên địa bàn nhưng lại không phát hiện cơ sở trên hoạt động bên trong, thậm chí thực hiện các thủ thuật trái quy định, bác sĩ Hoan cho hay theo báo cáo của phường và tổ dân phố khu vực thì cơ sở này luôn đóng cửa.
"Việc đón được khách hàng vào bên trong có thể họ hẹn nhau trước, sau đó khách đến nơi thì họ mở cửa cho vào và sau đó tiếp tục khóa cửa!" - ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, những cơ sở đóng cửa trên địa bàn quận là "hy hữu" và chủ yếu là chưa mở cửa nhận khách hàng. Thời gian tới, nếu những cơ sở nào đóng cửa nhiều lần, cố tình đối phó, không cho vào kiểm tra thì lực lượng chức năng phải tìm cách cố gắng vào được bên trong, đánh giá những dịch vụ họ làm có đúng theo quy định hay không.
"Trước giờ chúng tôi nghĩ họ chưa hoạt động, nhưng thực tế đã hoạt động lén lút rồi để xảy ra sự cố đáng tiếc. Qua vụ này, chúng tôi rút kinh nghiệm, cơ sở nào càng đóng cửa thì càng kiên quyết phá cửa để kiểm tra bên trong như thế nào", bác sĩ Hoan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi - phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cho biết từ lâu, quận đã có văn bản chỉ đạo phòng y tế, các phường và những đơn vị thường xuyên tăng cường kiểm tra tất cả các cơ sở làm đẹp trên địa bàn quận. Riêng vụ cô gái 25 tuổi tử vong, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND quận và phòng y tế quận đã phối hợp với Sở Y tế TP kiểm tra và đến nay đã giao lại cho Công an thành phố tiếp tục điều tra.
Trước đó, tháng 3-2021, Thanh tra Sở Y tế đã vạch trần một cơ sở có tên là "Viet Anh Mega Beauty Center" tại địa chỉ 15 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1. Cơ sở đã này gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi không hợp tác và có hành vi đối phó với đoàn kiểm tra bằng cách khóa cầu thang máy, khóa cửa đường đi bộ từ tầng trệt lên tầng một.
Đây chính là những chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng, và khi xảy ra tai biến thì cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, xác minh, vòng luẩn quẩn là vì vậy.
Ngụy trang, đánh lừa khách hàng
Để tạo được lòng tin đối với khách hàng, nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay chỉ đăng ký chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu... với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng thực tế lại tự mình quảng cáo, "đội lốt" là "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ"...
Chính điều này gây lầm tưởng cho khách hàng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.
Thanh tra Sở Y tế đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chỉ đăng ký dịch vụ chăm sóc da, nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ và sử dụng thuốc gây tê, trong khi không có chuyên môn y tế và đây là loại kỹ thuật dễ gây biến chứng.
Gần đây đã ghi nhận thêm cơ sở làm đẹp da, tóc ngang nhiên dùng thuốc gây tê và đã xảy ra sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng khách hàng.
Riêng tại quận Phú Nhuận, ông Phạm Tấn Hoan cho hay sau dịch COVID-19, các cơ sở làm đẹp, "viện thẩm mỹ", "thẩm mỹ viện" trên địa bàn ngày càng nở rộ hơn. Một số cơ sở hoạt động lén lút và ngày càng tinh vi hơn như đặt "trụ sở" tại chung cư, kiểu hình thức như nhà riêng, khiến đoàn kiểm tra rất khó đến nơi để tiếp cận.
"Chúng tôi phải huy động thêm lực lượng và làm việc với chung cư nhưng cứ khi tới nơi thì đã "vườn không nhà trống"", ông Hoan chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay mượn danh bệnh viện lớn để đặt tên cho cơ sở của mình. Ngày 20-10 vừa qua, Sở Y tế liên tiếp nhận được phản ảnh liên quan đến thẩm mỹ viện Pasteur (Pasteur Institute Clinic), địa chỉ số 4-4B Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Theo nội dung phản ảnh, cơ sở này tiếp tục có dấu hiệu hoạt động dù đã bị cơ quan chức năng tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và đình chỉ hoạt động. Chưa kể việc đặt tên cơ sở là "Viện Pasteur" gây nhầm lẫn cho khách hàng, quảng cáo không đúng sự thật...
Trước đó, ngày 10-8, cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên khám, chữa bệnh cho khách hàng.
Mới đây, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phải lên tiếng vì có không ít bệnh nhân liên hệ với khoa tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện để hỏi về các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có gắn tên... Chợ Rẫy.
Ngoài "đội lốt", nhập nhằng biển hiệu, các cơ sở làm đẹp trái phép còn ngụy trang với nhiều hình thức như: quán cà phê, chung cư, cơ sở bán mỹ phẩm hay thậm chí là tiệm cắt tóc, gội đầu...
Tăng nặng mức xử phạt, quy định chặt quảng cáo
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại TP.HCM có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da được cấp phép.
Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng "dịch vụ làm đẹp", hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên "thẩm mỹ viện" hay "viện thẩm mỹ".
Thực tế, qua thanh kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2) đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.
Phản ánh hành nghề trái phép qua 0989401155
Ông Tăng Chí Thượng mong người dân tìm hiểu kỹ và chọn lựa đúng các cơ sở cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu làm đẹp. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hãy gọi ngay đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh hành nghề trái phép, vẽ bệnh qua số 0989401155, hoặc vào ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.
TTO - Cô gái 25 tuổi tại TP.HCM đã tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc gây mê, gây tê sau khi đến Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (quận phú Nhuận) đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái.
Xem thêm: mth.8685913280212202-mod-ped-mal-os-oc-yab-tol-gnuhc-ioc/nv.ertiout