Tăng mạnh gần 30 điểm trong phiên sáng nhưng VN-Index nhanh chóng hụt hơi trong phiên chiều qua (8/12), khi có hơn 1,3 tỷ cổ phiếu từ phiên giao dịch kỷ lục về đến tài khoản. Đây cũng là số lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày kỷ lục, lớn nhất từ trước tới nay, nhưng lực bán ra cũng không thực sự lớn, chỉ có lực cầu là có phần suy yếu nên tổng hòa lại, VN-Index vẫn kết phiên trên tham chiếu gần 10 điểm.
Nếu số mã tăng phiên sáng gấp 6 lần số mã giảm, thì phiên chiều chỉ còn gấp 3 lần. Sự phân hóa rõ nét hơn, khi các mã hút dòng tiền vẫn tăng nóng, còn mã nào đã bị ép, lực cầu không đủ giữ điểm trên tham chiếu. Ở góc nhìn đầu tư, mọi kịch bản cần được tính đến và tương ứng với đó là phương pháp phân bổ danh mục phù hợp cho tầm nhìn dài hạn.
Kịch bản tích cực là VN-Index vượt được ngưỡng 1.100 điểm. Tuy nhiên ngược lại, hoàn toàn có thể xảy ra nhịp điều chỉnh để tái tích lũy ở vùng 960 - 1.000 điểm, hoặc thậm chí là thấp hơn.
Việc tái cơ cấu của các quỹ, cũng như phiên đáo hạn phái sinh được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới diễn biến của VN-Index. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Chúng ta chỉ cần nhớ xu hướng tăng này vi phạm khi nào. Khi giá của VN-Index gãy khỏi vùng 880 thì mới tiếp tục quay vào xu hướng giảm của trend lớn. Còn trường hợp tái tích lũy ở bất kỳ điểm nào trên 880 thì vẫn là xu hướng tăng trung hạn và tái tích lũy để đi lên lại", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, đánh giá.
Dù kịch bản cơ sở vẫn là tái tích lũy để đi lên tiếp, nhưng những nhịp điều chỉnh gấp trong ngắn hạn vẫn có thể tác động không nhỏ tới danh mục đầu tư.
"Nếu bảo đừng fomo thì với những người đầu tư dài hạn như tôi thì khá dễ, nhưng nhiều người biết sóng tăng này có thể chỉ là bear trap, nhưng mức độ hồi phục lớn nên mọi người có xu hướng tham gia. Tôi nghĩ sóng này rủi ro, mình chỉ tham gia bằng một phần tài sản chứ không nhiều", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, nhận định.
Trong tuần tới tiếp tục có nhiều ẩn số, như cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ở thị trường trong nước, việc tái cơ cấu của các quỹ, cũng như phiên đáo hạn phái sinh được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới diễn biến của VN-Index.
Liên quan tới nhóm thép, là một trong những nhóm thu hút dòng tiền thời gian qua, báo cáo mới đây của VNDIRECT dự báo biên lợi nhuận gộp của các công ty trong ngành có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ quý 4 năm nay khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn hàng bán quý trước. Giá giao ngay của các nguyên vật liệu đầu vào cũng được dự báo sẽ giảm trong 2 năm tới và Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu thép toàn cầu.
VTV.vn - Dù gặp áp lực từ các cổ phiếu đầu ngành, nhưng kết phiên hôm nay (8/12), VN-Index vẫn tăng gần 10 điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4633540190212202-cus-ioh-xedni-nv-ihk-gnort-naht/et-hnik/nv.vtv