Con hẻm sở hữu "chồng chéo" thường xuyên xảy ra tranh chấp - Ảnh: ĐAN THUẦN
Bản án dân sự phúc thẩm số 135/2010/DS-PT ngày 28-1-2010 của TAND TP.HCM nêu rõ: "Kiến nghị UBND quận 12 thu hồi, chỉnh sửa giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy tờ nhà đất) của ông Mai Văn Nghiên và bà Võ Thị Sỏi cho phù hợp với bản đồ hiện trạng vị trí...". Sau 12 năm, giấy tờ nhà đất được cấp chưa phù hợp với quy định vẫn cứ "vẹn nguyên".
Lối đi chung của người này, riêng của người kia
Khoảng giữa năm nay, lối đi vào nhà bà Lê Thị Kim Tuyết (khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) liên tục bị hàng xóm là con cái ông Mai Văn Nghiên (phía trước) lấn chiếm, bày bàn ghế buôn bán khiến việc đi lại khó khăn rồi xảy ra mâu thuẫn.
Đến khi bà Tuyết trình báo UBND phường mới vỡ lẽ giấy tờ đất của ông Nghiên chưa được điều chỉnh theo phân xử của tòa án từ 12 năm trước. Đồng nghĩa với việc lối đi chung trên giấy tờ đất của bà Tuyết vẫn là lối đi riêng trên giấy tờ đất của ông Nghiên.
Căn nguyên của vụ việc trên là do: "UBND quận 12 khi cấp giấy tờ nhà đất cho ông Nghiên đã không xem xét, đo đạc thực tế, không xem xét bảng tương phân gia đình giữa các anh chị em ông Nghiên. Việc thẩm định hồ sơ xin cấp giấy tờ nhà đất cho ông Nghiên chưa phù hợp quy định" như TAND quận 12 đã nhận định.
Năm 2010, giải quyết tranh chấp trên, tòa án hai cấp đã tuyên yêu cầu ông Nghiên không được rào lối đi chung. Kiến nghị UBND quận 12 thu hồi, chỉnh sửa giấy tờ nhà đất của ông Nghiên cho phù hợp.
Do tin tưởng vào phân xử của tòa nên suốt 12 năm qua gia đình bà Tuyết đinh ninh rằng giấy tờ đất của ông Nghiên đã được thu hồi, chỉnh sửa cho đến khi tranh chấp lối đi tiếp tục xảy ra như trên.
Thế nhưng sau nhiều lần "gõ cửa" các cơ quan chức năng để đề nghị thi hành dứt điểm bản án có liên quan đến quyền lợi của mình thì cái mà bà Tuyết nhận lại là sự thờ ơ, "chỗ này chỉ chỗ kia".
"Tôi đến UBND quận 12 đề nghị thi hành dứt điểm bản án thì được trả lời là trách nhiệm thuộc về Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận 12 và đề nghị tôi đến đó để giải quyết. Còn Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận 12 lại trả lời thuộc thẩm quyền UBND quận. Các bên cứ đổ qua đổ lại, chẳng lẽ bó tay không cần phải thi hành bản án của tòa án?", bà Tuyết bức xúc.
Loay hoay xác định trách nhiệm
Để giải quyết khiếu nại của bà Tuyết, cuối tháng 9 vừa qua, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận 12 (gọi tắt là Chi nhánh quận 12) đã mời các đơn vị: Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận 12; Ban tiếp công dân và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12; gia đình ông Mai Văn Nghiên... để tìm hướng xử lý.
Tuy nhiên, Ban tiếp công dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 và gia đình ông Mai Văn Nghiên không dự họp.
Tại cuộc họp này, Chi cục THADS quận 12 cho rằng vụ việc đã được đơn vị thi hành các khoản: xác định lối đi có chiều rộng 2m, dài 18,78m, diện tích 37,56m2 tính từ nhà bà Hoa (mẹ bà Tuyết, đã mất) ra đường Tô Ký là lối đi chung của hai gia đình. Đồng thời,
Chi cục THADS quận 12 cũng đã có công văn số 1004/CV-THA ngày 12-4-2010 gửi UBND, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận 12 (nay là Chi nhánh quận 12) đề nghị điều chỉnh giấy tờ đất của ông Mai Văn Nghiên.
Còn Chi nhánh quận 12 cho rằng đã chủ động phối hợp để hướng dẫn chủ sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận nhưng đến nay gia đình ông Nghiên không liên hệ giải quyết. Cũng theo Chi nhánh quận 12, căn cứ vào các quy định liên quan Luật đất đai thì việc giải quyết kiến nghị của bà Tuyết về việc thu hồi, điều chỉnh giấy tờ đất của ông Nghiên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận 12.
Quá trình tìm hiểu sự việc, Tuổi Trẻ đã làm thủ tục đề nghị cung cấp thông tin theo quy trình từ tháng 9 nhưng cho đến nay, UBND quận 12 vẫn không phản hồi.
Giấy tờ đất được cấp chồng chéo
Căn nhà ở khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) có nguồn gốc của bà Mai Thị Cằng (em ông Mai Văn Nghiên) được chia thừa kế. Sau khi được chia đất, bà Cằng bán lại cho bà Lê Thị Kim Tuyết.
Giữa năm 2008, bà Tuyết tặng lại căn nhà trên cho mẹ là bà Lê Thị Hoa. Bà Hoa sau đó đã được UBND quận 12 cấp giấy tờ nhà đất. Trên giấy tờ nhà đất của bà Hoa có vẽ hẻm đi vào nhà từ đường Tô Ký đến cổng nhà với chiều rộng là 2m, dài 18,78m (đây cũng là lối đi duy nhất vào nhà).
Tuy nhiên, sau đó ông Nghiên (phía trước nhà bà Hoa) tự ý bít lối đi chung bằng hàng rào và cổng sắt. Sau nhiều lần chính quyền phường Đông Hưng Thuận đứng ra hòa giải, ông Nghiên có cam kết sẽ tháo dỡ nhưng vẫn không thực hiện nên bà Hoa khởi kiện ra TAND quận 12.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nghiên trình bày căn nhà của ông đã được cấp giấy tờ đất cho ông với diện tích 147,3m2, trong đó có phần sân rộng 2m và dài 18,78m là lối đi riêng của gia đình. Do đó, ông Nghiên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Hoa, nếu bà Hoa có nhu cầu về lối đi thì ông sẽ bán lại 1m chiều ngang dài 18,78m (18,78m2) với giá 20 triệu đồng/m2.
Tại phiên tòa, bốn em ruột của ông Nghiên với tư cách người làm chứng đều cho biết trong tờ tương phân đất đai cho anh em xác định phần đất rộng 2m như trên là lối đi chung và không hiểu bằng cách nào ông Nghiên hợp thức hóa thành đất riêng.
Tòa sơ thẩm cho rằng UBND quận 12 khi cấp giấy tờ nhà đất cho ông Nghiên đã không xem xét, đo đạc thực tế, không xem xét bảng tương phân gia đình giữa các anh chị em ông Nghiên. Việc thẩm định hồ sơ xin cấp giấy tờ nhà đất cho ông Nghiên chưa phù hợp quy định.
Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của bà Hoa, yêu cầu ông Nghiên không được rào lối đi chung. Kiến nghị UBND quận 12 thu hồi, chỉnh sửa giấy tờ nhà đất của ông Nghiên cho phù hợp. Ông Nghiên kháng cáo bản án sơ thẩm. Đầu năm 2010, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác toàn bộ kháng cáo của ông Nghiên, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tháo gỡ như thế nào?
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), căn cứ theo điều 106 và khoản 2, điều 178 Luật THADS năm 2008; điều 103 Luật THADS năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014; khoản 1 và khoản 2, nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày
18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền là UBND quận, huyện hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người bị thi hành án hủy giấy chứng nhận QSDĐ cũ, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ mới theo bản án nêu trên.
"Trường hợp này thì chủ tịch UBND quận là trưởng Ban chỉ đạo THADS sẽ đề nghị Chi cục THADS quận 12 và Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai tìm giải pháp giải quyết các vấn đề nếu còn chưa thống nhất.
Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cần giao Sở Tư pháp kịp thời hỗ trợ hai cơ quan trong việc hướng dẫn pháp luật, viện dẫn pháp luật sao cho hợp lý, hợp pháp", luật sư Tuấn chia sẻ.
TTO - Một bản án được TAND TP.HCM tuyên từ năm 2010, không bị kháng nghị nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành.
Xem thêm: mth.19080810190212202-meihn-hcart-od-yaoh-yaol-nav-man-21-tous-neuq-ob-ib-na-nab-uv/nv.ertiout