Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của nhà Al Nahyan - cũng là hoàng gia UAE, hiện lên tới ít nhất 300 tỷ USD. Con số này cao hơn 225 tỷ USD của gia đình Walton (Mỹ), sở hữu tập đoàn bán lẻ Walmart.
Một số tài sản nổi tiếng của nhà Al Nahyans như Câu lạc bộ bóng đá Manchester City, khoảng hơn chục cung điện bao gồm Chateau de Baillon ở phía bắc Paris và hầu hết phạm vi Quảng trường Berkeley ở London. Họ còn sở hữu ít nhất 3 siêu du thuyền, trong đó có một chiếc lớn nhất thế giới.
Nhưng mấu chốt cho sự đi lên của gia đình nằm ở Royal Group, một tập đoàn với tổng cộng hơn 27.000 lao động, hoạt động trải dài nhiều lĩnh vực từ tài chính đến robot. Trong hai thập kỷ qua, tập đoàn đã phát triển từ quy mô tương đối nhỏ đến việc nắm giữ khối tài sản gần 300 tỷ USD ngày nay.
Ngoài quy mô tài sản riêng, việc xác định mức độ giàu có thực sự của gia đình Al Nahyans là điều khó khăn vì ranh giới tài sản giữa hoàng gia và nhà nước thường rất mờ nhạt. Nhà Al Nahyans đã trị vì UAE kể từ khi độc lập cách đây nửa thế kỷ.
Trong khi một số là tài sản riêng của gia đình, thì số khác liên quan đến chính phủ. Sheikh Tahnoon - một trong 6 người con trai của nhà sáng lập UAE Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan - giữ vai trò trong cả kinh doanh và chính trị.
Theo đó, ông vừa là chủ tịch của Royal Group của gia đình vừa là Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Chủ tịch quỹ nhà nước Abu Dhabi Developmental Holding (ADQ), và nhà băng hàng đầu Ngân hàng First Abu Dhabi Bank.
Khi sự giàu có của nhà Al Nahyans tăng lên, ảnh hưởng của họ trong khu vực và trên toàn thế giới cũng tăng theo. Sheikh Tahnoon được công nhận là người dẫn dắt đế chế kinh doanh đang phát triển của gia đình, đồng thời cũng là chính trị gia quan trọng. Các khoản đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập thường được hỗ trợ bởi các nỗ lực của anh trai ông, Sheikh Mohammed bin Zayed - Tổng thống UAE.
Một số khoản đầu tư của Royal Group đã tăng giá trị kinh ngạc trong những năm gần đây. International Holding (IHC) đứng đầu danh sách với giá cổ phiếu tăng hơn 28.000% trong 5 năm, hơn bất kỳ công ty nào khác giá trị trên một tỷ USD.
Trong quá trình này, IHC - phần lớn thuộc sở hữu của Royal Group - đã phát triển từ một nhà đầu tư ít được biết đến, tập trung vào nuôi cá để trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất của UAE. Công ty hiện giá trị hơn các blue chip của Mỹ như McDonald’s, Nike và Blackstone.
Các lợi ích chồng chéo của gia đình - bao gồm việc kiểm soát các nhà môi giới thống trị hoạt động giao dịch ở Abu Dhabi và quyền sở hữu của quỹ ADQ đối với sàn giao dịch của đất nước - giúp đảm bảo hỗ trợ cho IHC.
Vào cuối tháng 11, IHC đã phát hành cổ phiếu cho một tập đoàn khác của Abu Dhabi để đổi lấy cổ phần của các doanh nghiệp, trong đó bao gồm Alpha Dhabi Holding PJSC - công ty có giá trị lớn thứ ba của UAE.
Sự phát triển nhanh chóng của công ty đầu tư là biểu tượng cho sức mạnh ngày càng tăng của gia đình Al Nahyans và Abu Dhabi. Trong khi Dubai từ lâu đã thu hút sự chú ý của quốc tế, Abu Dhabi đã củng cố vị thế thống trị của UAE khi cứu trợ Dubai 20 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính.
UAE, Saudi Arabia và Qatar đều đang thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế trước khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch kết thúc. Họ đang có thời cơ thuận lợi khi Mỹ và châu Âu phải đối mặt với chi phí tài chính cao hơn và Trung Quốc bận chống dịch.
IHC thể hiện tham vọng toàn cầu của Abu Dhabi. Giám đốc điều hành Syed Basar Shueb cho biết công ty có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các thị trường bao gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực như thực phẩm, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.
Giống như một số quốc gia đang phát triển, đầu tư và chính trị luôn song hành với nhau và Al Nahyans là những người thực hành tích cực.
Dưới thời Tổng thống Sheikh Mohammed bin Zayed, UAE đã linh hoạt hơn trong chính sách đối ngoại. Gần đây, UAE hướng tới việc giảm căng thẳng trong khu vực, một lập trường phù hợp với những nỗ lực mở rộng quyền lực mềm bằng cách thực hiện các thương vụ kinh doanh.
Sau khi ông Sheikh Tahnoon gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào năm ngoái, IHC đã mua 50% cổ phần của một công ty năng lượng tái tạo của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng đầu tư gần 2 tỷ USD vào 3 công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Adani sau khi hai nước ký thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, ADQ mua cổ phần các công ty quan trọng của Ai Cập để giúp vực dậy nền kinh tế nước này. Ngoài ra, sau khi UAE và Israel bình thường hóa quan hệ, một công ty trí tuệ nhân tạo do Sheikh Tahnoon làm chủ tịch đã trở thành công ty đầu tiên của UAE mở văn phòng tại đó.
"Sheikh Tahnoon đã trở thành trợ thủ an toàn cho mọi nhiệm vụ khó khăn", Ayham Kamel, Trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group (Anh), đánh giá. Theo chuyên gia, Sheikh Tahnoon đã trở thành cánh tay đắc lực cho tổng thống và Abu Dhabi nói chung.
Phiên An (theo Bloomberg)