Ngày 10/12, tin từ TAND tỉnh Quảng Trị, đơn vị này vừa tiếp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Chỉ, SN 1953, trú thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - là mẹ ruột của bị hại L.T.H., SN 1972 trong vụ án hình sự Giết người.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, đây chính là vụ việc gây rúng động dư luận địa phương trong thời gian qua. Trước đó, ngày 4/11, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên xét xử sơ thẩm.
Theo hồ sơ, Võ Viết Đạt, SN 1980, trú tại thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và Đoàn Thanh Tuấn, SN 1972, trú tại thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị truy tố về hành vi Giết người.
Cụ thể, ngày 11/12/2021, chỉ vì không đồng tình với thái độ, hành vi của bà H., đối với mình mà Võ Viết Đạt đã bàn bạc với Đoàn Thanh Tuấn để đánh người.
2 bị cáo lừa bị hại đến bờ kè sông ở địa phương nhưng không thành. Sau đó, khi hẹn được nạn nhân đến một ngôi chùa trên địa bàn, Tuấn dùng tay đánh bà H.
Sau đó, Đạt sử dụng 1 gậy tre đánh nhiều phát vào lưng, vai, mặt bà H. Nạn nhân đã van xin đừng đánh. Thấy vậy, Tuấn giật gậy tre trong tay Đạt vứt đi. Tuy nhiên, Đạt tiếp tục lấy 1 gậy sắt khác để đánh bà H., gây nên đa chấn thương khiến bà H., tử vong.
Sau đó, nhằm che giấu tội phạm, Đạt vứt xác bà H. xuống bờ kè thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tuấn cùng Đạt tiếp tục phi tang chứng cứ như xe máy, điện thoại bị hại để che dấu tội phạm. Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên Võ Viết Đạt chịu hình phạt tù chung thân và Đoàn Thanh Tuấn chịu 12 năm tù giam.
Tại đơn kháng cáo, gia đình bị hại cho rằng, sau khi bị hại chết, các bị cáo không những không nhận thức được hành vi sai trái của mình mà còn tiếp tục đem xác bị hại vứt xuống sông.
Hành vi này của các bị cáo là xâm phạm thi thể. Tiếp đó, gia đình bị hại cũng đã trình báo về việc nghi ngờ có hành vi cướp tài sản, do bị hại trên người đeo 1 dây chuyền, 1 nhẫn tay, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tay và túi xách nhưng đến khi tìm thấy thi thể thì không có những tài sản này.
Đơn kháng cáo cũng thể hiện, các bị cáo đã có sự cấu kết chặt chẽ, có sự bàn bạc, thống nhất với nhau về việc thực hiện hành vi phạm tội.
Lần đầu tiên, các bị cáo đã dụ bị hại đến bờ kè thôn Bích Khê nhưng bị hại không đến nên các bị cáo tiếp tục bàn bạc, thay đổi kế hoạch để hẹn bị hại ở tại chùa nhằm thực hiện hành vi phạm tội.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư Tp.Đà Nẵng cho biết, trong vụ án này cần xác định bị cáo Võ Viết Đạt là người chủ mưu, bị cáo Đoàn Thanh Tuấn là người tham gia.
Riêng bị cáo Đạt coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, thực hiện hành vi giết bị hại một cách dã man, đến cùng. Hành vi của bị cáo cần phải được pháp luật nghiêm trị để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa và thuyết phục dư luận.
Thông qua các tình tiết của vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, luật sư Tứ cũng cho rằng, trong đời sống hàng ngày con người cần cư xử đúng mực, tránh nảy sinh xích mích, hiềm khích. Nếu đôi bên không tự giải quyết được những vấn đề bất đồng, cần nhờ đến pháp luật can thiệp và bảo vệ để tránh tự biến mình vướng vào vòng lao lý.