Ngày 10.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến ngành y tế như tình trạng thiếu bác sĩ tại các đơn vị y tế công, chậm trễ trong việc mua sắm trang thiết bị, máy móc...
Bác sĩ nhiều sao dân không đến khám ?
Theo đại biểu Trần Nhật Quân (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Định), tại Trung tâm y tế H.Tây Sơn (Bình Định) còn một số tồn tại mà cử tri và nhân dân rất bức xúc. Cụ thể, nhiều khoa tại trung tâm y tế này không có bác sĩ, thiếu máy móc, kỹ thuật để phục vụ bệnh nhân nên phải chuyển viện đi huyện miền núi Vĩnh Thạnh hoặc TX.An Nhơn, TP.Quy Nhơn...
Trong đó, vấn đề sinh sản và mổ ruột thừa khiến người dân H.Tây Sơn cảm thấy rất thiệt thòi, vì nếu gặp 2 trường hợp này thì phải chuyển viện chứ Trung tâm y tế H.Tây Sơn không giải quyết được.
Đại biểu Trần Nhật Quân chất vấn HOÀNG TRỌNG |
“Khám sức khỏe cho nhân dân để có điều kiện đi xin việc làm hoặc làm hồ sơ cá nhân thì Trung tâm y tế H.Tây Sơn cũng không có đủ điều kiện để phục vụ, người dân phải đi ra ngoài huyện để khám sức khỏe”, đại biểu Trần Nhật Quân nói.
Đại biểu Lê Bình Thanh (Bí thư Huyện ủy Tây Sơn) cho rằng báo cáo của ngành y tế về Trung tâm y tế H.Tây Sơn toàn “màu hồng”, số lượng bác sĩ nhiều, số lượng bác sĩ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 cũng nhiều... nhưng tại sao hiện nay người dân không đến khám ở đây ?
“Bác sĩ tai - mũi - họng của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định hỗ trợ cho Trung tâm y tế H.Tây Sơn 1 tuần chỉ có 2 ngày, vậy những ngày còn lại, bà con H.Tây Sơn đi khám sức khỏe không có bác sĩ làm sao có kết luận được ? Mong tình trạng này sớm được cải thiện”, đại biểu Lê Bình Thanh đề nghị.
Trả lời chất vấn các đại biểu, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định khẳng định, đối với các trung tâm y tế tuyến huyện thì Trung tâm y tế H.Tây Sơn có cơ sở y tế đẹp nhất trong toàn tỉnh, cơ sở được xây dựng rất khang trang với quy mô 220 giường bệnh. Tại H.Tây Sơn hiện có 53 bác sĩ, gồm 41 bác sĩ tại Trung tâm y tế H.Tây Sơn và 12 bác sĩ tuyến xã. Trong đó có 5 bác sĩ chuyên khoa 2, 18 bác sĩ chuyên khoa 1.
“Về số lượng bác sĩ, H.Tây Sơn đứng hàng thứ 3 trong 11 huyện, thành phố trong tỉnh, chỉ sau TP.Quy Nhơn và TX.An Nhơn. So với các huyện khác, số lượng bác sĩ tại H.Tây Sơn cao hơn rất nhiều”, ông Lê Quang Hùng nói.
Ông Lê Quang Hùng trả lời chất vấn HOÀNG TRỌNG |
Theo ông Lê Quang Hùng, vấn đề khó khăn là trong thời gian qua, tại Trung tâm y tế H.Tây Sơn có 1 bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng xin về BVĐK tỉnh Bình Định công tác và 1 bác sĩ khoa sản nghỉ hưu, 1 bác sĩ khoa sản khác bị bệnh qua đời, dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ bác sĩ tại các khoa này. Ngay sau đó, Sở Y tế và BVĐK tỉnh Bình Định đã hỗ trợ bác sĩ sản khoa và bác sĩ tai - mũi - họng cho Trung tâm y tế H.Tây Sơn. Do đó, việc khám bệnh tại khoa Tai - mũi - họng, Trung tâm y tế H.Tây Sơn, chỉ gián đoạn 8 ngày.
“Hiện khoa Sản tại Trung tâm y tế H.Tây Sơn đã thực hiện phẫu thuật sinh sản trở lại. Hy vọng trong thời gian tới BVĐK tỉnh Bình Định sẽ chuyển giao cho H.Tây Sơn 2 bác sĩ sản khoa”, ông Lê Quang Hùng cho biết thêm.
Ông Lê Quang Hùng cũng cho rằng người dân không muốn mổ ruột thừa tại bệnh viện tuyến huyện là vì vấn đề thẩm mỹ chứ không phải Trung tâm y tế H.Tây Sơn không thực hiện được kỹ thuật này.
Mua sắm thiết bị y tế chậm trễ vì quy định chồng chéo
Các đại biểu cũng chất vấn Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định vấn đề HĐND tỉnh đã bố trí 120 tỉ đồng trong năm 2022 để mua sắm máy xạ trị điều trị ung thư và máy chụp CT nhưng đến nay đã gần hết năm vẫn không mua được máy.
Theo ông Lê Quang Hùng, dự án mua sắm 1 hệ thống máy gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng phục vụ công tác điều trị ung thư (kinh phí không vượt quá 80 tỉ đồng) và 1 hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT- Scanner) 128 dãy đầu thu, 256 lát cắt/vòng quay (kinh phí không vượt quá 30 tỉ đồng) được giao cho BVĐK tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. BVĐK tỉnh Bình Định đã thực hiện các công việc liên quan để triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Một đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Y tế Bình Định HOÀNG TRỌNG |
Ông Lê Quang Hùng cho rằng đây là dự án thuộc nhóm C, phải thực hiện theo luật Đầu tư công và các nghị định liên quan của Chính phủ, phải tiến hành thực hiện qua các bước như: lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ và phê duyệt dự toán, nên thời gian thực hiện phải qua nhiều bước với nhiều thành phần hồ sơ khác nhau.
“Những khó khăn về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế hiện tại cũng gây khó khăn cho việc triển khai dự án”, ông Hùng nói và cho rằng sự bất cập này dẫn đến BVĐK tỉnh gặp nhiều khó khăn trong tiến trình lựa chọn cấu hình, thông số kỹ thuật và lập dự toán gói thầu
Theo ông Hùng, trách nhiệm về vụ việc nói trên thuộc về chủ đầu tư và có trách nhiệm của Sở Y tế với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước của ngành. Tuy nhiên, sự chậm trễ này là do có nhiều yếu tố khách quan gây nên, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, bất cập, không đồng bộ nhưng lại chậm được sửa đổi.
Ông Hùng đề nghị HĐND tỉnh Bình Định cho phép tiếp tục thực hiện dự án trong năm 2023 để mua sắm thiết bị vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ tọa kỳ họp HOÀNG TRỌNG |
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, Giám đốc Sở y tế tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chịu trách nhiệm về việc chậm trễ mua mua sắm máy xạ trị điều trị ung thư và máy chụp CT nói trên.
“Dân thì nghèo, vào trong Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy thì phải xếp hàng chờ chữa bệnh. Vào trong đó thấy cảnh dân Bình Định xếp hàng để xạ trị, thấy xót ruột chứ ? Mua được cái máy xạ trị, máy chụp CT thì sẽ giải quyết được bao nhiêu hoàn cảnh của người dân”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Bình Định cần phải có giải pháp tuyển dụng, đãi ngộ để giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, bác sĩ bỏ việc và phải làm rõ vấn đề cụ thể là khi nào sẽ mua xong máy xạ trị và máy chụp CT để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.