Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ có giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cá thể hóa quyền sử dụng đất
Theo đó, nhiều ý kiến nêu về nguyên tắc, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cụ thể, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo luật về việc cá thể hóa quyền các thành viên có chung quyền sử dụng đất kể cả với đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình.
Tuy nhiên để đảm bảo tính chặt chẽ thì cần quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền xác nhận thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất.
Có ý kiến cũng đề xuất bỏ quy định thỏa thuận ghi tên của vợ hoặc chồng vì dễ dẫn đến việc tùy nghi trong việc áp dụng, đặc biệt trong một số trường hợp phụ nữ là đối tượng yếu thế.
Giải trình nội dung này, ông Hà cho hay theo quy định pháp luật dân sự, các thành viên có chung quyền sử dụng đất (bao gồm cả trường hợp là hộ gia đình sử dụng đất) phải tự thỏa thuận, chịu trách nhiệm xác định quyền sử dụng đất.
Đồng thời thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước, căn cứ kết quả tự thỏa thuận của các thành viên, cơ quan nhà nước có trách nhiệm đăng ký ghi nhận và bảo hộ quyền hợp pháp của thành viên có quyền sử dụng đất trong cùng một hộ gia đình.
"Đây là nội dung mới nhằm cá thể hóa với các trường hợp có chung quyền sử dụng đất, tránh tranh chấp, minh bạch về quyền tài sản", ông Hà nêu.
Liên quan ý kiến bảo vệ phụ nữ với trường hợp tài sản chung của hai vợ chồng mà có thỏa thuận ghi tên một người, cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung hành vi phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất là hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo luật.
Cạnh đó có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận cho UBND cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân. Bổ sung thêm thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp lý.
Về nội dung này, theo ông Hà, để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, dự thảo luật đã thực hiện cải cách theo hướng tách bạch giữa vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu với cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận.
Quy định này loại bỏ các khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của nghị quyết 18.
Liên quan thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận, dự thảo đã quy định việc thực hiện sau khi có văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, trong đó có tòa án nhân dân các cấp. Do đó đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.
Giao tòa án giải quyết tranh chấp đất đai là phù hợp
Về giải quyết tranh chấp đất đai, nhiều ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.
Đồng thời đề nghị có lộ trình, giải pháp bảo đảm nguồn lực để tòa án thực hiện tốt trách nhiệm này.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động về việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của UBND các cấp vì sẽ tạo nên một khối lượng công việc rất lớn cho hệ thống tòa án.
Về nội dung này, ông Hà nêu theo quy định của Luật đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chủ yếu thuộc về tòa án và UBND các cấp chỉ giải quyết đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng.
Việc giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời hạn UBND các cấp cung cấp hồ sơ cho tòa án, ông Hà cho hay sẽ tiếp thu và quy định chi tiết ở văn bản thi hành luật với từng loại vụ việc theo mức độ phức tạp của hồ sơ cung cấp.
TTO - Với đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai, trường hợp để hoang hóa không sử dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay sẽ tiếp thu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế.