Theo báo cáo chuyên đề: Trung Quốc “Reopening” do BSC mới phát hành, trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 2 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ, chiếm 24% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Tốc độ tăng trưởng của nhóm cá tra có giảm tốc khi thị trường Mỹ giảm mức nhập khẩu (so với quý II) khi hàng tồn kho tại cảng cao.
Xét trên giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù chính sách đóng cửa biên giới của Trung Quốc vẫn được nước này thực thi, tỷ trọng thị trường Trung Quốc vẫn đạt được mức 12,8%, tương đương với tỷ lệ trung bình 12,6% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2021.
Dù trong 2 năm Covid-19, tỷ trọng thị trường Trung Quốc có phần sụt giảm so với mức trung bình do chính sách giãn cách xã hội phía bên Trung Quốc khiến tiêu thụ thủy sản bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Trung Quốc đã đóng góp một phần khá lớn vào hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
BSC kỳ vọng, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa phòng chống dịch sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản nội địa, từ đó, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng được hưởng lợi là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc: VHC, ANV, IDI.
BSC ước tính, tỷ trọng thị trường Trung Quốc trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của VHC là 9% và ANV là 11%, trong khi đó, năm 2019, Trung Quốc chiếm đến 20% cơ cấu thị trường xuất khẩu của VHC và 36% cơ cấu thị trường xuất khẩu của ANV.
Triển vọng kinh doanh năm 2023
Đối với ngành tôm, BSC cho rằng, nền kinh tế của các thị trường tiêu thụ chính (Mỹ, EU) đều được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm khi tôm là mặt hàng thủy sản giá cao và tôm Việt Nam có giá cao hơn 10 - 15% so với tôm các quốc gia đối thủ.
Đối với ngành cá tra, BSC cho rằng, tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài theo đuổi chiến dịch Zero Covid. BSC kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng. Đối với thị trường Mỹ, BSC kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ khả quan trở lại khi hàng tồn kho tại cảng được tiêu thụ hết.
Đồng thời, giá cước vận tải tiếp tục giảm mạnh, tiệm cận dần với giá cước trước dịch Covid. Giá cước từ Đông Nam Á đến Mỹ trung bình tháng 9 quanh 3.417 USD (giảm 81% từ đỉnh và giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá cước từ Đông Nam Á đến châu Âu quanh mức 7.241 USD (giảm 51% từ đỉnh và 49% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong quý III, chi phí vận chuyển của VHC và ANV đều ghi nhận mức giảm so với quý II/2023 khi giá cước hạ nhiệt: VHC (giảm 61% so với quý trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước); ANV (giảm 11% so với quý trước và giảm 40% so với cùng kỳ năm trước).
Nhìn chung, BSC duy trì quan điểm khả quan đối với ngành thủy sản trong năm 2023. Sự tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa của Trung Quốc, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp ngành cá tra tăng trưởng.