Roland Molineux sinh năm 1866, là nhà hóa học sinh ra trong gia đình danh giá, giàu có nhờ kinh doanh sơn và thuốc nhuộm hóa học lớn nhất nước Mỹ khi đó. Trong tầng lớp thượng lưu của xã hội New York, Roland đẹp trai, vạm vỡ, nổi tiếng là tay chơi và là kẻ hợm hĩnh, ảo tưởng về năng khiếu thể thao. Anh ta là thành viên Câu lạc bộ điền kinh Knickerbocker - điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình giàu có và lâu đời ở New York.
Kiêu ngạo về gia thế, Roland nhiều lần đến gặp ban quản lý câu lạc bộ yêu cầu trục xuất những người mà anh ta coi là thấp kém về mặt xã hội.
Năm 1897, anh ta gặp ca sĩ opera xinh đẹp, Blanche Chesebrough tại một bữa tiệc du thuyền ở Maine. Trở lại New York, Roland nhiều lần mời cô đến dự các sự kiện ở Câu lạc bộ Knickerbocker.
Tại đây, ca sĩ trẻ lại bắt đầu làm quen nhà môi giới chứng khoán Henry Barnet. Henry đã say mê và rủ Blanche đi chơi, khiến Roland không hài lòng.
Tháng 10/1897, Roland hỏi cưới Blanche nhưng bị từ chối với lý do yêu Henry Barnet. Roland tỏ ra bực bội.
Tháng 11 cùng năm, Henry Barnet nhận được gói hàng qua đường bưu điện có chứa một số loại thuốc dạ dày không kê đơn, sản xuất bởi công ty dược phẩm nổi tiếng. Henry có sử dụng và sau đó bị ốm nặng, qua đời.
Chưa đầy hai tuần sau cái chết của Henry, Rokand kết hôn với Blanche.
Không lâu sau cuộc hôn nhân, tháng 12, Roland có cuộc đối đầu với Harry Cornish, Giám đốc thể thao của Câu lạc bộ Knickerbocker. Bị Harry đánh bại khi thi cử tạ, trong cơn tức giận, Roland đã viết hàng chục lá thư, yêu cầu câu lạc bộ trục xuất Harry. Song Ban quản lý từ chối.
Roland do đó quyết định rời câu lạc bộ điền kinh danh tiếng này, không quên lớn tiếng bày tỏ sự căm ghét Harry trước khi rời đi.
Một năm sau, đêm Giáng sinh năm 1898, Harry nhận được chiếc hộp nhỏ qua đường bưu điện có chứa hộp đựng tăm bằng bạc với một lọ nhỏ pha lê đựng thuốc đau đầu dạng lỏng rất thịnh hành. Không có giấy tờ gì đi kèm, ngoài tờ giấy viết tay ghi địa chỉ nơi nhận. Trong đó, số nhà 40, forty, bị viết sai chính tả, thành fourty.
Vài ngày sau, dì của anh, bà Katherine Adams, kêu đau đầu. Harry lấy pha thuốc này với nước, đưa cho uống. Vài phút sau, bà Katherine lên cơn co giật dữ dội và một lúc sau thì chết.
Các nhà điều tra ngay lập tức nghĩ bà bị đầu độc. Khám nghiệm tử thi được thực hiện. Chai thuốc bị tịch thu để kiểm tra. Kết quả xác định rằng bà Katherine bị đầu độc bởi xyanua của thủy ngân, một thành phần thường được sử dụng nhất để pha màu khô trong một nhà máy nhuộm.
Các tờ báo đã đăng bức ảnh chụp tờ giấy ghi địa chỉ từ gói hàng Harry nhận trước đó. Thư ký Câu lạc bộ Knickerbocker đọc báo, nhận ra nét chữ và nói với cảnh sát rằng "chữ viết tay là của Roland Molineaux".
Người này giải thích đã nhận được rất nhiều thư tay của Roland, yêu cầu khai trừ Harry, đến nỗi đã ngay lập tức nhận ra nét chữ này. Trong các bức thư khiếu nại này, Roland luôn viết sai chính tả số 40, forty, thành fourty.
Cảnh sát bắt đầu để mắt đến Roland, và báo chí cũng vậy.
Manh mối về chiếc hộp mạ bạc cũng dẫn cảnh sát đến một cửa hàng trang sức ở Newark, nơi nhân viên bán hàng nói rằng người mua có bộ râu dài màu hung đỏ. Chi tiết này không khớp với nhận dạng của Rokand, nhưng các thám tử tập trung nhiều vào động cơ hơn bằng chứng.
Anh ta có thù hằn sẵn với nạn nhân, lại là nhà hóa học, người có thể biết những hóa chất nào có thể được sử dụng làm chất độc, và đặc biệt có quyền tiếp cận những hóa chất đặc biệt đó trong công việc của mình. Xác nhận rằng ghi chú trên gói phù hợp với chữ viết tay của Roland là "mảnh ghép" buộc tội cuối cùng.
Roland cũng đã được nhìn thấy ở Newark, gần cửa hàng trang sức cùng ngày chiếc hộp bạc được mua. Anh ta vẫn chưa được nhân viên bán hàng xác định danh tính, nhưng đó là chứng cứ mâu thuẫn duy nhất trong toàn bộ cuộc điều tra.
Đào sâu về lai lịch của thiếu gia này, các thám tử cũng lần ra cái chết trước đó của tình địch, Henry và nhận ra điểm tương đồng.
Trước khi đột ngột qua đời, Henry cũng nhận được một gói hàng từ một người gửi ẩn danh qua đường bưu điện. Phân tích cho thấy gói thuốc này được tẩm thủy ngân xyanua, chính chất độc đã giết chết bà Katherine.
Chuyên gia về chữ viết tay hàng đầu New Yorrk cũng xác nhận chữ viết trên hai gói hàng là của Roland. Anh ta bị bắt tháng 2/1899 vì tội giết bà Katherine Adams.
Phiên tòa bắt đầu ngày 14/11 cùng năm, với sự tham gia của hàng trăm phóng viên báo chí. Đây được coi là một trong những "phiên tòa thế kỷ" lớn nhất lịch sử New York. Bên công tố lần lượt tung hết các "con bài", từ thư ký, chủ nhiệm câu lạc bộ thể thao, chuyên gia viết tay, Harry Cornish...
Trong suốt phiên tòa, Roland không tỏ ra hứng thú cho lắm, chỉ lơ đễnh ngậm bút và chơi cờ caro trên mặt sau của tờ cáo trạng và mỉm cười với vợ. Anh ta không trao đổi với luật sư và cũng chẳng buồn nghe lời khai.
Luật sư nhận khoản tiền lớn từ gia đình bị cáo để bào chữa nhưng chỉ có nhân chứng duy nhất là một chuyên gia chữ viết cho rằng "các chữ viết tay trên gói hàng không khớp với nét viết của bị cáo". Hơn nữa, luật sư lập luận nếu Roland biết hay viết sai chính tả chữ forty, không dại gì cố tình phơi nó ra như thế.
Trong khi đó phía công tố đưa ra "miếng đòn" cuối cùng: Henry Barnet, tình địch của bị cáo cũng chết theo cách tương tự. Như vậy, anh ta là thủ phạm của cả hai án mạng.
Ngày 11/2/1900, phiên tòa mở lại, kéo dài ba tháng, tiêu tốn của bang 200.000 USD, trở thành vụ xét xử dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử New York đến thời điểm đó. Roland bị tuyên tử hình trên ghế điện, đến nhà tù khét tiếng Sing Sing đợi thi hành án.
Cha Roland thề sẽ cứu con, còn luật sư ngay lập tức nộp đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm New York mở phiên phúc thẩm vào tháng 6/1901. Tại đây, các luật sư của Roland lập luận rằng việc công tố viên ám chỉ về cái chết của Henry Barnet là không hợp đạo đức và trái nguyên tắc suy đoán vô tội. "Bị cáo phải bị truy tố vì bằng chứng, không phải vì anh ta đã phạm những tội tương tự khác trong quá khứ", theo quan điểm của luật sư.
Luật sư của Roland cho rằng bên công tố đã cố ý đề cập cái chết của Henry Barnet với mục đích ám chỉ bị cáo "có xu hướng giết người".
Tại phiên phúc thẩm, bồi thẩm đoàn chỉ mất 12 phút để kết luận bị cáo vô tội. Bản án nêu, việc ám chỉ về một hành vi giết người trước đó chưa được chứng minh với bị cáo đã vi phạm nguyên tắc cơ bản về suy đoán vô tội. Do đó, bằng chứng truy tố này là "không thể chấp nhận được".
Roland được thả tự do. Trong thời gian ngồi tù, ông ta đã viết một cuốn sách lấy bối cảnh trong phòng giam, sau này thêm ba cuốn tiểu thuyết khác và một vở kịch kể về cuộc sống của tù nhân.
Roland mất năm 1917 tại viện dưỡng lão, 51 tuổi, trong tình trạng suy nhược vì công việc.
Phiên tòa thế kỷ không chỉ quan trọng với cuộc đời Roland mà còn là bước ngoặt quan trọng với nền Tư pháp nước Mỹ, thay đổi quy tắc xét xử đến tận ngày nay.
Một trăm năm sau, Tòa phúc thẩm đã viện dẫn trường hợp của Roland Molineux như vụ án mang tính bước ngoặt dẫn đến tiền lệ rằng "một vụ án hình sự nên được xét xử dựa trên thực tế, chứ không phải căn cứ khuynh hướng phạm tội của bị cáo". Điều này được gọi trong luật hình sự nước Mỹ ngày nay với cái tên Quy tắc Molineux.
Thủ phạm trong hai vụ án vẫn còn là bí ẩn.
Hải Thư (Theo American Journal of Criminal Law, Columbia Law Review)
Xem thêm: lmth.2645454-iot-ov-naod-yus-cat-neyugn-ohn-neid-ehg-taoht-ut-gnoc/ten.sserpxenv