Phát triển bền vững gắn với 3 yếu tố môi trường - xã hội và quản trị (ESG) là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trên rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, yếu tố quản trị công ty đặc biệt quan trọng nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như 2 năm qua.
Theo các diễn giả tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty 2022, củng cố năng lực lãnh đạo trong một thế giới đầy thách thức do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam đồng tổ chức vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, 3 năm tới sẽ là 3 năm quan trọng để nâng cao năng lực thành viên hội động quản trị của các doanh nghiệp để có thể bắt kịp cuộc chơi toàn cầu.
Ngay năm sau, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải đáp ứng được hơn 30 tiêu thức về ESG từ khâu nguyên liệu đầu vào. Người tiêu dùng cũng đang dịch chuyển, ưu tiên các sản phẩm có hàm lượng ESG cao.
Còn các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng đang mở rộng đầu tư có trách nhiệm đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, gắn liền với yếu tố phi tài chính là ESG. Do đó, quá trình tích hợp ESG vào hoạt động doanh nghiệp là xu thế tất yếu, trong đó, bắt đầu từ nâng cao năng lực của hội đồng quản trị.
"Thách thức lớn nhất của thành viên Hội đồng Quản trị đó chính là phải được đào tạo và hiểu về thực chất về ESG trong lĩnh vực hoạt động của họ, gắn với hoạt động của họ là gì. Thứ hai, họ cần phải đưa nó vào chương trình nghị sự, chiến lược phát triển của công ty", bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam VIOD cho hay.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi và gắn các yếu tố ESG vào quá trình hoạt động của các công ty tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn ban đầu. Chỉ có 20% số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có báo cáo phát triển bền vững riêng. 80% còn lại, phát triển bền vững chỉ là một mục nằm trong báo cáo thường niên.
Việc áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt vượt lên các quy định pháp lý của các doanh nghiệp Việt hiện nay cũng còn rất ít.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV cho hay: "Nhận thức chung về quản trị theo tôi là rất hạn chế. Khuôn khổ, chất lượng quản trị công ty thì giữa các công ty đang có sự khác nhau khá lớn… Hiện nay chúng ta bắt đầu chứng kiến khủng hoảng trong khu vực doanh nghiệp có nguồn gốc sâu xa từ quản trị công ty yếu kém".
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Trong Luật chứng khoán 2020, các vấn đề về quản trị công ty chúng tôi cũng đặt ra như một trong những nội dung pháp lý ở mức độ cao nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để phát triển các vấn đề liên quan tới bảo vệ quyền lợi cổ đông, vấn đề minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết để tiệm cận những yêu cầu cao nhất của các thị trường chứng khoán trên thế giới, nhằm mục đích nâng chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam".
Theo các diễn giả, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, 3 năm tới sẽ là thời điểm vàng để hội đồng quản trị các doanh nghiệp chuyển đổi sang thực hành tốt. Quá trình này bao gồm cả nâng cao vai trò của hội đồng quản trị cũng như xây dựng văn hóa của hội đồng quản trị… Từng bước triển khai ESG như chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà bước ra khu vực, thế giới.
Hiện mới chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đạt thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN là Vinamilk, được xếp hạng mục Tài sản đầu tư có giá trị ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.76092315121212202-peihgn-hnaod-auc-hnart-hnac-cul-gnan-oac-gnan-aohk-aihc-gse/et-hnik/nv.vtv