Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay ký công điện về đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, an toàn và bền vững.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sớm có biện pháp chấn chỉnh để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư.
Bộ Tài chính sớm rà soát, đánh giá khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu tới hạn thanh toán năm nay và 2023. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ trưởng Tài chính đề xuất ngay biện pháp với cấp có thẩm quyền, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
"Các tổ chức phát hành có nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo cam kết. Trường hợp khó khăn doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để cơ cấu lại các khoản nợ, lãi suất, thời hạn thanh toán, điều kiện chi trả... theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", công điện của Thủ tướng nêu.
Bộ Tài chính trong công điện cũng được yêu cầu phải chủ động hơn trong quản lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là chống tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác...
Bộ Tài chính cũng cần rà soát kỹ, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Các biện pháp xử lý thị trường trái phiếu cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nhiều giải pháp được đưa ra "cứu" thị trường trái phiếu. Với loạt giải pháp này, giới chuyên gia kỳ vọng doanh nghiệp có thêm thời gian và nhiều lựa chọn hơn để cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ qua đó hạn chế khả năng vỡ nợ.
Hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu vừa qua bị cơ quan quản lý xử lý đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư, thị trường. Tại cuộc họp Chính phủ đầu tháng 12, Thủ tướng cho hay, việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu "không thể không làm", bởi cần xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11, lượng trái phiếu phát hành giảm hơn 32% so với cùng kỳ 2021, đạt 331.800 tỷ đồng. Lượng lớn trái phiếu cũng được doanh nghiệp mua lại trước hạn, tăng 14% so với năm ngoái.
Anh Minh