Ngày 13-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (DN)". Theo nhiều chủ DN, dù hạn mức (room) tín dụng đã được nới và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ngành ngân hàng (NH) cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng từ chính sách đến thực tiễn sẽ có độ trễ, vì vậy DN mong muốn sớm được tiếp cận vốn dễ dàng hơn để vượt qua khó khăn.
Chính sách phải đi trước
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết sau năm 2021 khó khăn do dịch COVID-19, qua năm 2022 các DN trong ngành tiếp tục phải đối mặt với lạm phát tăng trên toàn cầu, trong nước khó khăn liên quan thị trường chứng khoán, room tín dụng… khiến chi phí đầu vào của DN sản xuất tăng cao. Từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, vật tư đến phí vận chuyển đều tăng; DN nhập khẩu bị thêm tác động của tỉ giá.
"Sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, NH Nhà nước, các DN rất ghi nhận nhưng lúc này việc tiếp cận vốn không dễ. Riêng DN lương thực - thực phẩm sản xuất hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng xác định nỗ lực cung ứng cho thị trường Tết và năm 2023. Rất mong ngành NH nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho DN trong tiếp cận vốn" - ông Trương Tiến Dũng nói.
Tọa đàm của Báo Người Lao Động góp phần tạo tiếng nói chung, thêm giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, dẫn trường hợp một DN có 5.000 công nhân mà đứt đơn hàng từ tháng 7 đến nay, không tìm được nguồn. Tình trạng của các DN khác cũng rất khó khăn. Ông băn khoăn cơ quan quản lý thiết kế chính sách cho DN trước và sau dịch COVID-19 có sự khác biệt không? Bởi nếu trước và sau dịch tiêu chuẩn cho vay như nhau, phải chăng đại dịch là vô nghĩa, sự đình trệ của DN chỉ là nhất thời? Kiến nghị Chính phủ, NH Nhà nước xem xét lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ DN và có cơ chế cho các NH thực hiện.
"Trong vòng 3 tuần tới hoặc kéo dài đến hết tháng 1-2023, việc nền kinh tế hấp thụ được khoảng gần 400.000 tỉ đồng vốn tín dụng đang còn chỉ tiêu là rất khó. Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần ôxy, tài chính là ôxy mà chia nhau thế này, DN không thể khỏe được. Kiến nghị cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và NH đi theo" - ông Nguyễn Quốc Kỳ băn khoăn.
Chia sẻ với các DN, nhiều NH thương mại có mặt tại tọa đàm đã thông tin về những chính sách đang triển khai trong hỗ trợ vốn, lãi suất cho DN và nền kinh tế. Ông Nguyễn Hiếu Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng DN - NH TMCP Á Châu (ACB), nhìn nhận hơn 10 năm qua nền kinh tế có lãi suất thấp nhưng đó là quá khứ. Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Khi lãi suất tăng, đại bộ phận DN cần vốn sẽ cẩn trọng trong quyết định đầu tư, có thể làm cho kinh tế gặp trì trệ, ảnh hưởng chứng khoán, trái phiếu… Vì vậy mới đây, ACB đã chủ động triển khai một số giải pháp như giảm lãi suất để hỗ trợ DN.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho hay đến đầu tháng 12, VietinBank đã cung hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng hơn 120.000 tỉ đồng (tương đương mức tăng khoảng 10,7% so với đầu năm) ra nền kinh tế. Các lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu. Riêng về room tín dụng, dịp này VietinBank được tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng, góp phần đáp ứng kịp thời về vốn cho DN. Hiện NH đã rà soát, thiết kế những sản phẩm phù hợp với chi phí lãi vay hợp lý đáp ứng vốn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. VietinBank cũng tập trung rà soát, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay.
Đề xuất nhiều giải pháp tiếp sức
Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, liên quan chủ đề vốn cho DN cơ bản trong tháng cuối năm và trước Tết, có 2 xu hướng cần quan tâm. Một là, đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Trong đó, hết sức chú ý vấn đề trái phiếu đáo hạn thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản. Không thể dùng tiền ngân sách để can thiệp nhưng phải tạo cơ chế, chính sách cho phù hợp có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, việc giãn/ hoãn nợ, hoãn thuế, tăng tiếp cận vốn cho DN… là những giải pháp hoàn toàn nằm trong khả năng để tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản. Bộ Tài chính đang ráo riết sửa đổi Nghị định 65 theo hướng cởi mở hơn.
"Với điều hành tín dụng, cần sớm tiếp cận và có phương pháp gián tiếp nhiều hơn để khả thi, lâu dài. Việc điều hành tăng trưởng tín dụng nên rút kinh nghiệm khi trong 6-7 tháng đầu năm nay tăng trưởng nhanh nên không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công rồi "phanh" lại. Cần cân nhắc "phanh" như thế nào để không tạo bất ngờ" - TS Cấn Văn Lực lưu ý.
Thông tin từ các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm cho thấy lượng trái phiếu DN phát hành giảm từ 35%-40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng DN bất động sản càng khó phát hành hơn. Không chỉ khó khăn về vốn mà vướng mắc lớn nhất của DN bất động sản liên quan đến pháp lý. TS Cấn Văn Lực dẫn chứng ở TP HCM có gần 1.000 dự án và Hà Nội khoảng 400 dự án, cả nước có khoảng 239 dự án condotel, officetel đang bị vướng rào cản pháp lý, với tổng giá trị khoảng 30 tỉ USD. Cần chú ý gỡ khó cho các kênh dẫn vốn khác.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phân tích: Luật Chứng khoán quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng khoán trên 30 triệu đồng là không phù hợp, mà phải là người có kiến thức, có kinh nghiệm về thị trường này. Do quan niệm sai lầm như vậy nên nhiều DN làm ăn không hiệu quả vẫn phát hành trái phiếu ra công chúng mà thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
"Nên bỏ khái niệm "nhà đầu tư chuyên nghiệp". Khi DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì phải có những tổ chức bảo lãnh phát hành có uy tín, có tiềm lực tài chính. Riêng với lĩnh vực NH, nên có đề án thu hút đông đảo người dân tham gia thị trường trái phiếu NH. Có sự bảo lãnh của nhà nước khi mua trái phiếu NH. Tiền huy động vốn NH từ trái phiếu sẽ cao hơn tiền gửi tiết kiệm, từ đó sẽ tăng thu hút vốn, có cơ sở để hạ lãi suất cho vay" - ông Hải nói.
Phân tích sâu xa hơn về những nguyên nhân khó khăn của DN, để từ đó đề xuất hướng tháo gỡ không chỉ là về vốn, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh dẫn chứng: Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 100% DN đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, khó khăn về đầu ra cả ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất sẽ nằm ở thứ tự thứ 4, 5. Do đó, khi bàn về tháo gỡ khó khăn, cần phối hợp đồng bộ với những khó khăn hàng đầu về nguồn lực lao động, chính sách về lương, về BHXH…
"Bản thân các tổ chức tín dụng cũng cần lưu ý ứng xử như thế nào với các rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, tính thanh khoản hay rủi ro về nợ xấu. Phải dựa trên cơ chế thị trường, tránh đưa ra những biện pháp hành chính quá mức, tránh làm méo mó thị trường, gây ra những xáo trộn không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển DN và cả nền kinh tế" - TS Vũ Đình Ánh nói.
Góp phần kết nối ngân hàng và doanh nghiệp
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận định nới room tín dụng rất cần thiết nhưng làm sao tới được DN cũng rất khó, vì NH không thể cho vay dưới chuẩn. Từ phía DN, nếu quy theo chuẩn cho vay hiện tại thì những DN đang gặp khó càng không thể tiếp cận vốn được. Giải pháp lúc này là cơ quan quản lý nhà nước cần đứng ra giải quyết. Cần tiếng nói chung và mục tiêu tọa đàm chính là góp phần tạo ra tiếng nói chung này, để các cơ quan quản lý khác, không chỉ NH Nhà nước mà Bộ Tài chính hay cao hơn là Chính phủ lắng nghe, thêm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN. Giải pháp hỗ trợ cho DN cũng là hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội và bình ổn thị trường.
CÁM ƠN CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Xem thêm: mth.19962042231212202-peihgn-hnaod-ohc-nov-naot-iab-iaig-iol-mit/et-hnik/nv.moc.dln