Ngày 14-12, nguồn tin của PLO xác nhận UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn kiến nghị Bộ GTVT xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến dự án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn bằng hình thức BOT.
Trước đây, nhiều cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đề nghị dời trạm thu phí BOT Quang Đức của Công ty CP BOT Quang Đức từ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ đến xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Lắk việc dời trạm thu phí trên là không thể thực hiện do có nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Nếu dời trạm BOT đến xã Cuôr Đăng, các phương tiện chỉ đi 5 km nhưng phải đóng phí toàn tuyến dự án làm bằng hợp đồng BOT… nên sẽ gặp sự phản đối gay gắt của chủ các phương tiện.
UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách của Trung ương để thanh toán cho nhà đầu tư chấm dứt hợp đồng, xóa trạm thu phí.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT, do liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai, Công ty CP Thủy điện Sê San 4A cùng góp vốn, có tổng mức đầu tư 836 tỉ đồng.
Dự án được phép thu phí từ ngày 10-11-2015 với thời gian dự kiến thu 15 năm. Đến ngày 1-11-2017, Bộ GTVT đồng ý để trạm BOT Quang Đức giảm giá vé từ 6% đến 14% nhưng cho tăng thời gian thu phí hoàn vốn lên 16 năm.
Liên tục kiến nghị trung ương mua lại trạm BOT
Thời gian qua, chủ đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk nhiều lần trình Bộ GTVT kiến nghị Trung ương mua lại trạm BOT Quang Đức bằng ngân sách.
Gần nhất tháng 4-2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Theo đó, về cơ bản, các bộ, cơ quan thống nhất hướng giải quyết như đề xuất kiến nghị của Bộ GTVT theo phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư BOT, nhằm xử lý dứt điểm bất cập của dự án.
Tháng 10, Bộ GTVT có văn bản gửi Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc mua lại 8 dự án BOT, trong đó có trạm BOT Quang Đức. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và công tác chuẩn bị hồ sơ chậm, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét đề xuất của Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ GTVT thừa ủy quyền Chính phủ chủ động làm việc với các cơ quan Quốc hội để báo cáo, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.