Báo cáo bất động sản nghỉ dưỡng mới nhất của DKRA Vietnam cho biết, tháng vừa qua, có 56 căn biệt thự biển được tiêu thụ, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản thị trường yếu dần dù đang trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm, các dự án mới đều giao dịch chậm.
Tương tự tháng qua, shophouse nghỉ dưỡng (nhà phố thương mại tại các dự án nghỉ dưỡng) cũng chỉ bán được 35 căn, giảm 96% so với 12 tháng trước. Rổ hàng mới bị tồn kho 85% mặc dù các chủ đầu tư chiết khấu 30-40%, cam kết cho thuê lại, hỗ trợ lãi suất, kéo dài thời gian quảng cáo, booking (đặt chỗ).
Riêng condotel, tháng 11 bán được hơn 340 căn chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng so với tháng 10) nhưng vẫn nằm trong chu kỳ thanh khoản thấp. Từ tháng 7 đến tháng 11, lượng tiêu thụ condotel cả nước chỉ dao động trong ngưỡng 100 đến dưới 400 căn mỗi tháng trong khi lượng hàng tồn kho dòng sản phẩm này đến nay ước tính hàng nghìn sản phẩm.
Ghi nhận của VnExpress cũng cho thấy trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại), nhiều giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng thoái vốn 6-12 tháng qua đến nay vẫn kén khách mua. Nhà đầu tư đang ôm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng gặp khó khăn trong việc bán tài sản ven biển với giá gốc (lỗ 8-10% chi phí tài chính).
Trong khi đó, có một số trường hợp nhà đầu tư condotel thậm chí bán cắt lỗ 20-30% để thu hồi tiền mặt về nhanh nhưng không thoát được hàng. Bà Thy - nhà đầu tư căn condotel tại Cam Ranh - cho biết do bán giá giảm không có người mua nên phải đứng trước chọn lựa khó khăn là ký thanh lý. Theo đó, bà chấp nhận mất 30% giá trị hợp đồng và chỉ khi nào chủ đầu tư bán được hàng thanh lý bà mới nhận tiền về.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đang phát triển dự án nghỉ dưỡng tại miền Trung cũng cho biết lượng giao dịch condotel, nhà phố, biệt thự biển đã giảm mạnh từ tháng 5 đến nay. Công ty ông đã tăng mức giảm giá, khuyến mãi, chiết khấu với tổng giá trị lên đến 30-40% giá trị hợp đồng để kích cầu nhưng doanh số không đạt kỳ vọng.
Ông cho biết những tuần còn lại của tháng 12 vẫn duy trì hoạt động bán hàng nhưng doanh nghiệp đã chấp nhận sẽ khép lại năm nay với không khí trầm lắng. Ông lo ngại tình trạng thanh khoản kém của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể kéo dài thêm trong những quý tới.
DKRA cũng dự báo tháng còn lại của năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm thanh khoản. Nguyên nhân là kiểm soát tín dụng, lãi suất tăng và tâm lý của nhà đầu tư muốn chờ đợi, quan sát thêm.
Bất động sản nghỉ dưỡng không phải là phân khúc duy nhất bị sụt giảm thanh khoản trong ba quý gần đây. Kể từ quý II đến nay, các loại tài sản: căn hộ chung cư, đất nền, nhà phố, biệt thự đều lần lượt xuất hiện dấu hiệu giảm tốc khi sức mua yếu dần. Thậm chí các nhà đầu tư thứ cấp lẫn chủ đầu tư đều lần lượt giảm giá, chiết khấu khủng cho căn hộ và nhà phố lên đến 30-40% để kích cầu, song chưa thể cải thiện được tình hình.
Nhóm khách hàng có dòng tiền nhàn rỗi vẫn đang đứng ngoài thị trường quan sát và chờ đợi chứ không nhập cuộc do lo ngại giá bán có thể giảm thêm. Các chuyên gia dự báo năm 2023, thị trường địa ốc có thể gặp nhiều khó khăn hơn năm nay.
Vũ Lê