Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ ba từ trái qua) và lãnh đạo các địa phương xem bản đồ quy hoạch dự án cảng Liên Chiểu. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc xây dựng cảng Liên Chiểu là đầu tư cho cả vùng miền Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Sáng 14-12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức khởi công dự án cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Tới dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc xây dựng cảng Liên Chiểu là bước chuyển cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch nước kỳ vọng với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu sẽ có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu Đông Nam Á.
Theo Chủ tịch nước, khu vực cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố, cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng cũng như cả khu vực miền Trung.
"Việc phát triển cảng Liên Chiểu cũng đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững "phên giậu, mạng sườn" tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khảo sát khu vực sắp triển khai dự án - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Chủ tịch nước lưu ý cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung.
Bởi nếu chỉ một mình Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết. Thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả, lợi thế cạnh tranh cảng biển.
Nhận thức này cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung.
Ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện nay Đà Nẵng có cảng Tiên Sa, tuy nhiên không thể phát triển mở rộng trở thành cảng đặc biệt - đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông.
Do đó phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố, được xác định rõ trong nghị quyết 43.
Dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu có hai hợp phần. Hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung sẽ đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc.
Hợp phần này có kinh phí đầu tư trên 3.400 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách với các hạng mục đê, kè chắn sóng dài 1.170m, luồng tàu, vũng quay tàu...
Hợp phần còn lại sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân đầu tư tổng diện tích 44ha với hai cầu cảng dài 750m.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng bấm nút khởi động dự án có ý nghĩa quan trọng với kinh tế Đà Nẵng và miền Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Khu vực triển khai dự án cảng Liên Chiểu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
TTO - Dự kiến dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) sẽ chính thức khởi công vào giữa tháng 12-2022. Thông tin này vừa được cho biết sau khi cử tri quận Liên Chiểu lo ngại việc chậm tiến độ ở các dự án lớn trên địa bàn.