Cơ quan chức năng kiểm tra kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TP.HCM) phải leo qua vật dụng của nhà dân lấn chiếm - Ảnh: TỰ TRUNG
Chỉ cần ai đó vào buổi trưa, dưới cái nắng gay gắt, có mặt tại kênh Hy Vọng thì sẽ cảm thấy nghẹt thở bởi tình trạng ô nhiễm ở đây. Lâu ngày không được nạo vét, rác thải kết thành từng tảng dày, bốc mùi hôi thối.
Đừng để dân thất vọng!
Dân cư quanh khu vực kênh Hy Vọng không còn xa lạ gì tình trạng ô nhiễm kéo dài ở đây đã khiến cuộc sống sinh hoạt của họ rất mệt mỏi. Mở mắt ra là thấy rác lù lù trước mặt, ruồi muỗi vo ve cả ngày, chuột bọ thì chạy tứ tung, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cống nghẹt rác làm nước ngập, có khi tràn cả vào nhà dân. Qua các phương tiện truyền thông và họp khu phố, cư dân có nghe thành phố triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm ở khu vực này nhưng chưa thấy có chuyển biến gì.
Nhiều năm qua, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được bàn luận rôm rả nhưng sau đó lại rơi vào cảnh... thất vọng bởi chờ đợi nhiều năm không thấy dự án triển khai. Trước đây, dự án cải tạo con kênh này đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013 nhưng đến năm 2016 thiết kế cơ sở của dự án mới được phê duyệt. Đây là dự án thành phần của dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM", sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, WB thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM" khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại. Năm 2018, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách, mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Nhưng do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và một số thủ tục nên dự án vẫn "án binh bất động", chưa thể triển khai.
Dự án cải tạo kênh bên cạnh mục tiêu góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân, còn nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bấy lâu nay, kênh Hy Vọng giống như một mương thoát nước tự nhiên. Do đó, việc kênh Hy Vọng sớm được cải tạo không chỉ từ các hộ dân mà từ lâu còn giúp sân bay Tân Sơn Nhất đề phòng ngập úng. Bởi nếu rác tiếp tục đổ xuống kênh sẽ tắc nghẽn dòng chảy và gây ra cảnh ngập nước bên trong sân bay.
Gần 2.000 tỉ đồng cải tạo kênh Hy Vọng
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết đã gửi tờ trình cho Sở Xây dựng đề xuất chủ trương xây dựng dự án cải tạo kênh Hy Vọng giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.980 tỉ đồng. Con kênh dài khoảng 1km này sẽ được cải tạo thành mương hở, kết hợp làm đường giao thông mỗi bên rộng 6m và trồng cây xanh hai bên đường.
Dự án có điểm đầu giao đường Phạm Văn Bạch, điểm cuối giáp với kênh Tham Lương. Toàn tuyến sẽ có 55 hố thu để chờ kết nối thoát nước mưa lưu vực dọc hai bên bờ rạch và xây dựng mới chín cống xả. Ngoài nhiệm vụ chống ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực khoảng 51ha, còn giúp khắc phục ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống hai bên bờ kênh.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã xếp dự án này vào nhóm ưu tiên số 1, cùng với hai dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Đó là dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) và nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). TP.HCM cũng đã kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn để làm các dự án này.
"Cá nhân tôi thấy vào mùa khô, nơi đây nước rất cạn nên không nhất thiết mở rộng kênh mà chỉ cần nạo vét và đào sâu cùng với lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Làm như vậy đỡ tốn kém tiền của và sẽ sớm có con kênh xanh như mong muốn. Hoặc cũng có thể xây hệ thống cống ngầm nối với kênh Tham Lương và có máy bơm hút khi nước lên vào mùa mưa, sẽ giảm chi phí đền bù mặt bằng và bài toán di dời người dân đi nơi khác vẫn đang nan giải", bạn đọc Ngô Văn Cường bày tỏ.
TTO - Một dòng kênh có thể trở nên trẻ trung và năng động như một con người được không? Mấy hôm nay, khi đọc những lời tâm huyết hiến kế trên diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai" của báo Tuổi Trẻ, tôi chợt có sự liên tưởng như vậy.
Xem thêm: mth.66540458051212202-tahn-nos-nat-yab-nas-ohc-ped-mal-gnov-yh-hnek-oat-iac/nv.ertiout