Hội thảo do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhằm đánh giá tình hình triển khai Luật Doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, từ đó đề ra các kiến nghị, giải pháp cải thiện hoạt động này trong thời gian tới.
Theo ý kiến khảo sát do nhóm chuyên gia của Cục thực hiện, trong số 546 doanh nghiệp tham gia, có tới 90,7% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, khó khăn được nhiều doanh nghiệp đề cập nhất là không biết tìm quy định về quy trình, thủ tục về đăng ký kinh doanh ở đâu. Tỷ lệ này chiếm 44%, tương đương 240 doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Ngoài ra, 38,6% doanh nghiệp cho rằng, quy trình thủ tục chưa rõ ràng dẫn tới đơn vị phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần; 31,7% nhận định quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp hiện tại còn phức tạp; 15,8% đánh giá việc trả kết quả thủ tục hành chính chậm hơn so với quy định và 12,6% cho biết được yêu cầu bổ sung tài liệu không có trong quy định.
Đặc biệt, các doanh nghiệp còn phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc với việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin quốc gia. Nếu không nhờ các công ty tư vấn/văn phòng luật sư thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp sai sót cao, bởi không có tương tác hoặc không được hướng dẫn trực tiếp bởi cán bộ nhà nước.
Theo nghiên cứu tại Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính APCI 2021, thì một lý do khác khiến các doanh nghiệp chưa sẵn sằng thực hiện đăng ký kinh doanh qua môi trường điện tử là bởi thời gian giải quyết hồ sơ trên môi trường online còn có thể lâu hơn so với hình thức làm việc trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
Cụ thể, với cùng một bộ hồ sơ, nếu nộp trực tuyến, doanh nghiệp phải đợi 3 ngày làm việc mới nhận được thông báo chỉnh sửa, bổ sung; trong khi đó, nếu nộp tại cơ quan nhà nước, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể xem xét luôn và hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung cho doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy trong số các tỉnh thành có từ 10 doanh nghiệp tham gia khảo sát, Khánh Hòa là địa phương dẫn đầu về thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, khi mỗi doanh nghiệp chỉ mất 14,5 giờ, nghĩa là chưa tới một ngày để hoàn tất thủ tục.
Trong khi đó, Hải Phòng là địa phương chậm nhất, bởi mỗi doanh nghiệp tại thành phố này mất trung bình 110 giờ, tương đương hơn 4 ngày để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Từ góc độ người trong ngành, các chuyên gia của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất 6 nhóm giải pháp để cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp như sau.
Thứ nhất, áp dụng thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phát triển các hệ thống hỗ trợ, tư vấn, thông tin về thủ tục hành chính, tăng cường giám sát để giảm chi phí không chính thức... đề cao tinh thần sáng trách nhiệm, thái độ làm việc tận tâm, tận tình với doanh nghiệp. Các địa phương cần có sự trao đổi, thống nhất về thành phần hồ sơ và quy trình thực hiện.
Thứ hai, đơn giản hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chỉnh sửa giao diện nhằm tăng sự thân thiện với người dùng; chuẩn hoá và thường xuyên cập nhật mẫu hồ sơ, kèm theo các hướng dẫn thực hiện thủ tục trực tuyến đơn giản và dễ hiểu hơn nữa để doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục dễ dàng; tiến hành triển khai việc đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục trực tuyến để nắm bắt kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ nộp trực tuyến; nghiên cứu phương án trả kết quả thủ tục hành chính bằng bản điện tử với điều kiện bản điện tử cũng sẽ được các cơ quan nhà nước khác sử dụng trong các thủ tục hành chính và công việc khác.
Thứ tư, nâng cấp các kênh hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nâng cao chất lượng của các kênh sẵn có như đường dây nóng (hotline), email; nghiên cứu tính khả thi của các phương thức hỗ trợ qua các kênh khác như Telegram, Zalo...
Thứ năm, Phòng đăng ký kinh doanh thống nhất quan điểm không yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi bổ sung hồ sơ nhiều lần trong đó mỗi lần là một nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung khác nhau.
Thứ sáu, cần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên viên thuộc các Phòng đăng ký kinh doanh.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, theo thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, có 194.699 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (153.664 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực thì những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua. Có 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động,…khiến nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.