Chiều ngày 15/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp cùng Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, phổ biến việc thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định RCEP.
Sự thiệt thòi của nông sản Việt
Thông tin về tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang một số thị trường chủ lực năm 2022, TS. Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn chia sẻ, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN.
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay, ông Phong cho biết: “Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có Hiệp định thương mại tự do nên nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn chịu thuế tối huệ quốc, cao hơn 5-5,2% so với thuế suất song phương áp dụng cho các quốc gia đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Hoa Kỳ”.
Bên cạnh đó, ông Phong nhận định, nông sản Việt khi xuất khẩu chất lượng còn thấp, không đều, cạnh tranh chưa cao, chủ yếu xuất thô và tính đa dạng hóa sản phẩm còn thấp. Điều này đem lại rất nhiều thiệt thòi cho nông sản nước ta khi thị hiếu và thị trường Hoa Kỳ ngày càng đa dạng, thiên sản phẩm chế biến, bảo quản lâu.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, số lượng và sự hiện diện mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ rất khiêm tốn. Hiện mới có chỉ 7 loại trái cây Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi.
Ngoài ra, ông Phong cũng nêu ra thực tế đáng lưu tâm liên quan đến việc Hoa Kỳ gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam.
Trước những thực tế trên, đánh giá về triển vọng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2023, TS. Nguyễn Anh Phong cho rằng: “Sản phẩm gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội khi sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang phải chịu mức thuế cao trong khi nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ ngày càng tăng. Đồng thời, sản phẩm hạt điều và cà phê Việt Nam cũng được dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong thời gian tới”.
Từ những triển vọng trên, ông Phong đã khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, việc tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển thị trường, xúc tiến xử lý tranh chấp thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản.
Song song với đó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn bày tỏ sự quan trọng của đẩy mạnh đàm phán thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Xu thế du lịch nông nghiệp tại Hà Nội
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội nhận định, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Chính vì vậy, nhằm phát triển các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thành phố đã đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
Từ những điều kiện trên, Đại diện Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hoa đã trình bày về một số giải pháp gắn kết tiêu thụ nông sản thông qua xuất khẩu và du lịch nông nghiệp tại Hà Nội.
Theo bà Thoa, Hà Nội là nơi có số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước với hơn 1.350 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong các năm qua đang dần cân đối giữa chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt, dịch vụ.
Chính vì vậy, việc gắn kết tiềm năng nông nghiệp với các mô hình du lịch là xu thế tất yếu. Đây là loại hình có thể kết hợp được với nhiều kiểu du lịch khác như du lịch sinh thái, văn hoá bản địa, du lịch làng nghề. Kết hợp du lịch nông nghiệp sẽ khai thác được nhiều lợi thế của địa phương như văn hoá bản địa, phong tục tập quán, đồng thời đem lại thu nhập cao cho cư dân nông nghiệp.
Để tận dụng được lợi thế đó, bà Thoa đề xuất cần xây dựng một chiến lược, hệ thống đồng bộ gắn kết hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Đồng thời cần tận dụng thêm các tiềm lực từ giao thông, cơ sở vật chất để tăng cường tiêu thụ nông sản, du lịch.
Bà Thoa cho rằng, đi cùng với đó, thành phố cần xác định đúng, đủ các loại nông sản mang đặc trưng và thế mạnh của Hà Nội, phù hợp với việc tiêu thụ thông qua xuất khẩu và du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng các câu chuyện văn hoá, đặc trưng vùng, miền gắn liền với các sản phẩm nông thôn, qua đó tạo ấn tượng mạnh với du khách vừa tăng cường thu hút khách du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ. Đưa tư tưởng “Nông dân phải bán câu chuyện, bán cảm xúc cùng với sản phẩm của họ” trở thành ý thức của mỗi người dân nông thôn.